Trung Quốc và giấc mơ nhà vô địch xe điện

Các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc đang dính ánh hào quang của Tesla khi đà tăng giá gần 900% trong năm vừa qua của hãng xe điện Mỹ, cũng như những dấu hiệu phục hồi ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, đã đẩy cổ phiếu các công ty này tăng mạnh.

Mượn lực từ Tesla, Trung Quốc muốn sản sinh ra một nhà vô địch xe điện của riêng mình. Ảnh: cnn.com

Giá cổ phiếu của Xpeng Motors, một hãng sản xuất xe điện Trung Quốc được hậu thuẫn bởi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, đã tăng hơn 40% trong phiên chào sân trên sàn giao dịch New York vào cuối tháng 8. Trong đợi IPO này, Xpeng Motors đã huy động được khoảng 1,5 tỉ USD, dù đến nay vẫn chưa tạo ra đồng lợi nhuận nào.

Trong khi đó, Li Auto, một đối thủ trong nước đã hoạt động có lãi, chứng kiến mức tăng gần 70% kể từ khi huy động được 1,1 tỉ USD trên sàn Nasdaq vào tháng 7. “Nếu tôi là nhà sáng lập của những công ty này, tôi chắc chắn sẽ gửi các món quà Giáng sinh hào phóng đến Elon Musk (ông chủ của Tesla). Tôi không nói rằng các công ty này đang trong tình trạng tồi tệ, mà hoàn toàn ngược lại. Nhưng nếu chỉ dựa vào bản thân họ mà không có ảnh hưởng từ Tesla, họ chỉ “đủ ăn” mà thôi”, Michael Dunne, sáng lập hãng tư vấn ZoZo Go, nhận xét.

Một hãng xe khác được hưởng lợi từ triển vọng lạc quan của ngành là Nio, một công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn New York. Cách đây một năm, Nio đã chảy máu tiền mặt với tốc độ mà giới phân tích cho rằng sẽ khó có thể tránh khỏi kết cục phá sản. Tuy nhiên, sau khi được các công ty nhà nước bơm vào 1 tỉ USD vào tháng 4, Nio đã lấy lại sức sống, gần đây báo cáo có lãi trong quý lần đầu tiên. Cổ phiếu của Nio đã tăng 550% trong 12 tháng qua. Cuối tháng 8.2020, Công ty còn công bố kế hoạch huy động 1,7 tỉ USD qua việc bán các cổ phiếu ký thác Mỹ (ADS).

Phát biểu tại phòng trưng bày ở Bắc Kinh, nhà sáng lập William Li của Nio cho biết vấn đề dòng tiền gần đây là bài kiểm tra sức chịu đựng của Công ty khi những người mua đều xa lánh vì lo ngại Nio sẽ phá sản. Ông tin rằng mối quan ngại này giờ không còn. “Nhu cầu đối với ô tô của chúng tôi đang tăng rất nhanh”, Li nói.
Một phần lực đỡ cũng đến từ những dấu hiệu cho thấy thị trường xe điện Trung Quốc đã ổn định trở lại khi doanh số bán phục hồi vào tháng 7. Đà sụt giảm kéo dài suốt một năm trong ngành xe điện là kết quả của quyết định cắt giảm phân nửa tiền trợ cấp cho xe điện của Chính phủ Trung Quốc, vốn ban đầu được đưa ra nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển hướng của đất nước ra khỏi dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch. Bởi quyết định trên, ngành xe điện đã rung chuyển mạnh mẽ khi nhiều công ty sống dựa vào trợ cấp bị phá sản.

Nhưng các nhà điều hành trong ngành cho rằng những người chơi còn lại hiện đang ở một vị thế vững chắc hơn. “Đó là một chính sách công nghiệp. Nếu theo như kế hoạch, thị trường có 4 hoặc 5 người chơi mới rất mạnh sẽ chiếm một thị phần đáng kể vào năm 2025”, Rupert Mitchell, Giám đốc Chiến lược tại hãng xe điện nội địa WM Motors, nhận xét.

Những startup đã thành công ở Trung Quốc đều tập trung vào các thị trường ngách, một số được sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc dưới dạng các khoản trợ cấp đúng mục tiêu. Li Auto cho biết các mẫu xe điện có khả năng chạy đường dài hơn của Hãng là một giải pháp cho vấn đề thiếu hệ thống trạm sạc pin bên ngoài các thành phố lớn của Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường ngách mà Xpeng và WM chọn là cung cấp dòng xe có các tính năng thông minh được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng như trợ lý giọng nói và các hệ thống điều hành được tùy chỉnh theo yêu cầu khách hàng.

Nhưng sự ưa chuộng cũng như danh tiếng lẫy lừng của Tesla ngay tại thị trường Trung Quốc có thể đe dọa những người chơi trong nước. Tesla đã và đang ráo riết tiếp thị các dòng xe được sản xuất tại cơ sở Thượng Hải mới mở gần đây, được hậu thuẫn bởi Chính phủ Trung Quốc với khoản cho vay 1,6 tỉ USD. Tesla đã bán 45.721 chiếc trong 6 tháng đầu năm nay và Tesla Model 3 hiện là mẫu xe điện được ưa chuộng nhất tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, thói quen giảm giá để đẩy mạnh doanh số bán của Tesla cũng sẽ gây áp lực lên các đối thủ Trung Quốc, theo Robin Zhu, chuyên gia phân tích tại Bernstein. Model Y của Tesla đang cạnh tranh trực tiếp với ES6 của Nio, trong khi Model 3 so kè với chiếc P7 của Xpeng. Tesla đã hưởng lợi từ khoản cho vay ưu đãi của các ngân hàng Trung Quốc và được sự tán thành của chính quyền Thượng Hải. “Kẻ hưởng lợi lớn nhất từ sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc không nghi ngờ gì đó chính là Tesla”, William Li thuộc Nio cho biết.

Ảnh: bloomberg.com.

Giống như Tesla, các hãng xe điện Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với các hãng xe truyền thống, nhiều trong số đó đang tung ra những mẫu xe chạy pin chỉ dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Hồi tháng 8, bà Mary Barra, CEO General Motors (Mỹ), cho biết: “Với vị thế là thị trường lớn nhất của General Motors, Trung Quốc sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đó là đưa tầm nhìn của chúng tôi trong việc chuyển sang tập trung vào doanh số bán từ xe điện trở thành hiện thực”.

VW (Đức) thì cam kết tất cả công suất nhà máy mới ở Trung Quốc trong tương lai gần sẽ chỉ dành riêng cho sản xuất xe chạy pin, khi hãng xe lớn nhất thế giới này ráo riết tung ra hàng loạt mẫu xe điện. Vào tháng 4, VW đã chi 2 tỉ euro mua lại 50% cổ phần trong JAC Motors, một đối tác liên doanh của Tập đoàn tại Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng trong dài hạn, cạnh tranh nước ngoài tại chính thị trường xe điện Trung Quốc có thể gia tăng cơ hội để nước này sản sinh ra một nhà vô địch xe điện toàn cầu. “Nói cho cùng, giấc mơ của Trung Quốc vẫn là có được một Tesla của riêng mình”, Michael Dunne, thuộc ZoZo Go nhận xét. “Họ muốn Tesla trụ lại Trung Quốc cùng với chuỗi cung ứng để họ có thể học hỏi từ hãng xe này. Nhưng qua thời gian, họ sẽ chuyển sự hậu thuẫn đó sang cho những người chơi trong nước”, Dunne nói thêm.