Xác của một con gấu hang động từ thời Kỷ băng hà khoảng 39.500 năm trước đã được tìm thấy ở Bắc Cực thuộc địa phận của Nga. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thấy xác một con gấu thời tiền sử mà các mô mềm vẫn còn nguyên vẹn.
Theo một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Liên bang Đông Bắc ở Yakutsk, Siberia, mẫu vật gấu hang động này còn nguyên cả mũi.
Nhà khoa học Lena Grigorieva của Đại học Liên bang Đông Bắc cho biết: “Đây là phát hiện đầu tiên và duy nhất một xác gấu hang động mà các mô mềm và nội tạng còn nguyên vẹn. Trước đây, người ta chỉ tìm thấy hộp sọ và xương. Phát hiện này có tầm quan trọng lớn đối với toàn thế giới”.
Một nhóm người chăn nuôi tuần lộc ở quần đảo Lyakhovsky đã tình cờ phát hiện được mẫu vật gấu hang động trước khi giao nó cho các nhà khoa học.
Gấu hang động (Ursus spelaeus) là một phân loài từ thời tiền sử, sống ở châu Âu và châu Á vào giữa và cuối kỷ Pleistocen và tuyệt chủng khoảng 15.000 năm trước.
Phân tích ban đầu từ các nhà khoa học cho thấy xác con gấu hang động này có tuổi đời từ 22.000 đến 39.500 năm.
Để xác định tuổi chính xác của con gấu, các nhà khoa học sẽ sử dụng phương pháp phân tích carbon phóng xạ trên mẫu vật của nó.
Đây không phải là phát hiện quan trọng đầu tiên được tìm thấy ở Siberia kể từ khi lớp băng vĩnh cửu bắt đầu tan chảy trong những năm gần đây. Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện một xác chim 46.000 năm tuổi, một đầu sói khổng lồ 40.000 năm tuổi, một con ngựa con thời đồ đá cũ được bảo tồn và thậm chí là một loại virus “khổng lồ” 30.000 năm tuổi.