Gần 500ha đất rừng bị lấn chiếm rồi trồng cây keo tràm ở xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) hiện không có người nhận là chủ sở hữu. Chính quyền đang bàn bạc phương án, nếu không có người nhận sẽ khai thác cây rồi sung công quỹ, còn đất sẽ đem chia cho người dân canh tác.
Bàn giao đất bị lấn chiếm cho địa phương
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 (gọi tắt là Công ty Đường 9) được Nhà nước giao quản lý 6.800ha đất rừng, trong đó tập trung phần lớn ở huyện Cam Lộ. Mấy năm trước, quá trình rà soát, Công ty Đường 9 phát hiện có gần 1.000ha đất rừng bị xâm chiếm trái phép. Diện tích đất bị xâm chiếm được sử dụng trồng keo tràm, cây caosu. Đối tượng xâm chiếm đất là người dân, cán bộ Cty Đường 9, người nhà cán bộ…
Khi phát hiện, Cty Đường 9 cùng chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người lấn chiếm đất được khai thác sản phẩm cây trồng trên đất. Khi cây rừng đến tuổi, thì khai thác, rồi trả lại đất cho Cty Đường 9. Tuy nhiên, nhiều hộ chây ỳ, khai thác xong cây không chịu trả lại mà tiếp tục trồng mới lại chu kỳ rừng khác.
Xác định một trong những nguyên nhân lấn chiếm đất trồng rừng là do thiếu đất, nên UBND tỉnh Quảng Trị có chủ trương sẽ thu hồi lại 3.000/6.800ha đất rừng của Cty Đường 9 để bàn giao lại cho các địa phương, chia cho dân sản xuất.
Theo đó, Cty Đường 9 giao lại cho huyện Cam Lộ 614ha đất rừng thuộc địa phận xã Cam Tuyền. Đến thời điểm này, xã Cam Tuyền mới xử lý được 118/614ha đất, giao cho người dân sản xuất. Còn 496ha đất thì khi nhận bàn giao, phần lớn trên đất đã được trồng cây keo tràm nhiều năm tuổi.
Xử lý thế nào với gần 500ha rừng “vô chủ”
Ông Nguyễn Anh Tuân – Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, xã đã thông báo qua đài tỉnh, hệ thống truyền thanh của xã nhiều lần, nhưng gần 500ha đất nói trên không có ai đến kê khai. Vậy xã có nắm thông tin gì về chủ của các diện tích đất lấn chiếm để trồng rừng? Trước câu hỏi này, ông Tuân nói Cty Đường 9 từng cung cấp danh sách có tên người lấn chiếm đất, nhưng “họ không đến nhận thì chịu”.
Tìm hiểu về chủ sở hữu của các diện tích đất lấn chiếm đã được trồng rừng nói trên, PV Lao Động thu thập được danh sách của Cty Đường 9 lập. Đơn cử, trong số diện tích gần 500ha rừng trồng không ai nhận là chủ sở hữu nói trên, có 34ha rừng từng được cho là sở hữu của người có tên Võ Văn Hoàn (trú tại TP.Đông Hà).
Ngày 11.7.2017, trong danh sách của Cty Đường 9, thì Võ Văn Hoàn có tên trong danh sách xâm lấn 34ha đất rừng tại khoảnh 3, khoảnh 4 tiểu khu 769 và khoảnh 7 tiểu khu 770. Tuy nhiên, ở danh sách thống kê ngày 30.3.2019 và danh sách ngày 22.8.2019 cũng do Cty Đường 9 lập, thì 34ha nói trên không phải của người có tên Võ Văn Hoàn, mà là một số cá nhân khác. Hiện 34ha đất rừng này đã trồng cây rừng được 2,5 tuổi, và đang trong tình trạng “vô chủ”.
Vậy xử lý như thế nào đối với diện tích đất rừng nói trên? Trước câu hỏi này, ông Tuân nói rằng đã xin ý kiến huyện Cam Lộ về việc phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm để chặn đường vào các diện tích đất bị xâm chiếm có rừng trồng vô chủ. “Chúng tôi có bàn phương án, nếu vẫn không ai đến nhận, thì đến thời điểm cây trồng trên đất đủ tuổi sẽ khai thác xung công quỹ. Tiếp đó, sẽ lấy diện tích đất chia đều cho những hộ dân đang thiếu đất” – ông Nguyễn Anh Tuân, nói.
Ông Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Cty Đường 9 cho hay, thông tin về chủ sở hữu lấn chiếm các diện tích đất rừng ở danh sách do lực lượng bảo vệ rừng và đội sản xuất của Công ty Đường 9 cập nhật từ người dân. “Nhưng tùy thời điểm, có khi tên người này, có khi tên người khác. Và khi đề nghị khai báo cụ thể thì những người có tên trong danh sách không ký nhận” – ông Thái, nói.