Theo một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc (LHQ), nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển của Trái đất đang ở mức kỷ lục và lượng khí thải tạm thời giảm do đại dịch lại đang dần quay về mức trước COVID-19. Trong khi đó, nhiệt độ toàn cầu tiếp tục đạt mức cao mới.
Báo cáo United in Science 2020 vừa mới công bố đã nêu bật những tác động ngày càng tăng và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với sông băng, đại dương, thiên nhiên, nền kinh tế và tác động của BĐKH đối với con người trên toàn cầu; BĐKH biểu hiện ngày càng thường xuyên hơn qua các thảm họa như nắng nóng kỷ lục, cháy rừng, hạn hán và lũ lụt.
Phát biểu tại buổi ra mắt báo cáo, Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh, nếu thế giới muốn làm chậm xu hướng tác động tàn phá của BĐKH và hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C thì “không còn thời gian để trì hoãn”. “Cho dù chúng ta đang giải quyết đại dịch hay khủng hoảng khí hậu, rõ ràng là chúng ta cần khoa học, đoàn kết và các giải pháp quyết định”, ông Guterres nói.
“Chúng ta có một lựa chọn: hoạt động như bình thường khiến BĐKH càng gia tăng; hoặc chúng ta có thể tận dụng chính sự phục hồi từ đại dịch COVID-19 để mang lại cơ hội thực sự giúp thế giới phát triển theo hướng bền vững”, ông Guterres nói thêm.
Tổng thư ký LHQ đã vạch ra 6 hành động liên quan đến khí hậu để định hình sự phục hồi từ COVD-19, nhằm đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ sau. Những hành động này bao gồm: Cung cấp việc làm và doanh nghiệp mới thông qua quá trình chuyển đổi xanh, sạch; các gói cứu trợ công phụ thuộc vào việc làm xanh và tăng trưởng bền vững; hướng đến nền kinh tế xanh, làm cho xã hội và con người bền vững hơn; chuyển quỹ đầu tư công vào các lĩnh vực và dự án bền vững giúp bảo vệ môi trường và khí hậu; tính đến các rủi ro và cơ hội về khí hậu đối với hệ thống tài chính cũng như trong hoạch định chính sách công và cơ sở hạ tầng; cùng nhau nỗ lực như một cộng đồng quốc tế.
“Khi chúng ta nỗ lực giải quyết cả đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu, các nhà lãnh đạo cần chú ý đến các sự kiện trong báo cáo này, cần có sự đoàn kết bên cạnh khoa học và thực hiện các hành động khẩn cấp về khí hậu. Đó là cách để xây dựng một tương lai an toàn và bền vững hơn”, ông Guterres kêu gọi và thúc giục các quốc gia chuẩn bị các kế hoạch khí hậu đầy tham vọng, các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trước COP26.
BĐKH tiếp tục gia tăng
Theo báo cáo trên, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển “không có dấu hiệu đạt đỉnh” và tiếp tục tăng lên các kỷ lục mới. Các địa điểm tiêu chuẩn trong mạng lưới quan sát khí quyển toàn cầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã ghi nhận nồng độ CO2 trên 410 phần triệu (ppm) trong nửa đầu năm 2020, với Mauna Loa (Hawaii) và Cape Grim (Tasmania) lần lượt là 414,38 ppm và 410,04 ppm vào tháng 7/2020, tăng từ 411,74 ppm và 407,83 ppm trong cùng kỳ năm ngoái.
Petteri Taalas, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết: “Nồng độ khí nhà kính – vốn đã ở mức cao nhất trong 3 triệu năm – tiếp tục tăng. Trong khi đó, những vùng đất rộng lớn ở Siberia đã chứng kiến một đợt nắng nóng kéo dài và đáng chú ý trong nửa đầu năm 2020, điều này sẽ rất khó xảy ra nếu không chịu tác động của BĐKH do con người gây ra. Giai đoạn 2016-2020 được cho là khoảng thời gian 5 năm nóng nhất”.
“Trong khi nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta đã bị gián đoạn vào năm 2020, BĐKH vẫn tiếp tục gia tăng”, ông Taalas nhấn mạnh.
Kết quả của nghiên cứu
Theo báo cáo, lượng phát thải CO2 vào năm 2020 theo ước tính sẽ giảm từ 4-7% vào năm 2020 do các chính sách hạn chế trong đại dịch COVID-19. Sự suy giảm chính xác sẽ phụ thuộc vào quỹ đạo phát triển của đại dịch và các phản ứng của chính phủ các nước để giải quyết đại dịch này.
Hồi tháng 4/2020, thời gian đỉnh điểm của các đợt dừng các hoạt động liên quan đến COVID-19, lượng khí CO2 phát thải từ năng lượng hóa thạch hàng ngày trên toàn cầu đã giảm 17%, mức chưa từng có so với năm trước. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 năm nay, lượng khí thải hầu như đã quay trở lại dưới mức 5% của năm 2019.
Báo cáo nhấn mạnh rằng mặc dù khoảng thiếu hụt về phát thải – sự khác biệt giữa những gì chúng ta cần làm và những gì chúng ta thực sự đang làm để giải quyết BĐKH – là rất rộng, nó vẫn có thể được tháo gỡ bằng hành động khẩn cấp và có sự phối hợp của tất cả các quốc gia và trên tất cả các lĩnh vực.
Về tình hình khí hậu toàn cầu, báo cáo chỉ ra rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu cho giai đoạn 2016-2020 theo dự đoán sẽ ấm nhất trong kỷ lục, khoảng 1,1 độ C so với giai đoạn 1850-1900 và ấm hơn 0,24 độ C so với nhiệt độ trung bình toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015.
COVID-19 tác động đến hệ thống quan sát Trái đất
Báo cáo cũng cho thấy đại dịch COVID-19 đã cản trở khả năng theo dõi những thay đổi của khí hậu qua hệ thống quan sát toàn cầu, do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng dự báo và các dịch vụ liên quan đến thời tiết, khí hậu và đại dương.
Các hoạt động quan sát dựa trên máy bay đã giảm đáng kể, các phép đo thủ công tại các trạm thời tiết và các con sông đã bị ảnh hưởng nặng nề và gần như tất cả các tàu nghiên cứu hải dương học đang ở các cảng, do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo, các tác động đến giám sát BĐKH là lâu dài. Chúng có khả năng ngăn chặn hoặc hạn chế các chiến dịch đánh giá sự cân bằng tổng thể của sông băng hoặc độ dày của lớp băng vĩnh cửu, thường được tiến hành vào cuối thời kỳ tan băng.
Báo cáo United in Science 2020 tập hợp các cập nhật liên quan đến khoa học khí hậu mới nhất từ nhiều tổ chức đối tác toàn cầu quan trọng. Báo cáo đưa ra dữ liệu khoa học mới nhất và những phát hiện liên quan đến BĐKH để cung cấp thông tin cho chính sách và hành động toàn cầu. |