Một đám cháy vẫn đang âm ỉ tại vùng đất ngập nước hẻo lánh ở phía trung tây Brazil từ giữa tháng 7, để lại sau lưng vùng đất chết còn rộng hơn diện tích thành phố New York.
Xác cháy đen của một con cá sấu cayman tại rừng Pantanal – khu đất ngập nước lớn nhất thế giới ở Pocone, bang Mato Grosso của Brazil. Một đám cháy rừng đã âm ỉ kể từ giữa tháng 7, hủy hoại khu vực có diện tích lớn hơn cả thành phố New York. Con cá sấu chết ở tư thế mở miệng có thể vì đó là hành động cuối cùng của nó trước khi bị ngọn lửa thiêu rụi – cá sấu thường há mồm để tản nhiệt cho cơ thể.
Khói được nhìn thấy từ trên cao, bao phủ dòng sông Cuiaba. Hàng nghìn đám cháy đang càn quét rừng Pantanal của Brazil, trong một năm mà các nhà khoa học khí hậu nhận định rằng những sự kiện như thế này sẽ trở thành “bình thường mới”, diễn ra khắp nơi trên thế giới từ California cho đến Australia.
Một con báo dụi đầu vào lá cây khi đi xuyên qua đám khói trong Công viên Quốc gia Encontro das Aguas. Rừng Pantanal nhỏ hơn và ít nổi tiếng hơn so với rừng Amazon, nhưng nó nằm kẹp giữa rừng nhiệt đới, đồng cỏ rộng lớn của Brazil và rừng khô của Paraguay – khiến nơi đây trở thành nơi sống ưa thích của các loài động vật.
Xác cháy đen của một con rắn. Rừng Pantanal là nơi sinh sống của khoảng 1.200 loài động vật có xương sống, trong đó có 36 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Tính đến ngày 6/9, khoảng 23.490 km2 sinh cảnh đã bị thiêu rụi, tương đương 16% diện tích rừng.
Hình ảnh từ trên cao cho thấy sự nghiêm trọng của những gì đang diễn ra. Đám cháy lớn nhất ở rừng Pantanal năm nay có diện tích lớn gấp 4 lần đám cháy lớn nhất ở Amazon, theo hình ảnh vệ tinh của NASA.
Rừng Pantanal được biết đến như một khu rừng ướt, toàn bộ diện tích rừng ở đây thường ngập nước đến gần một mét trong mùa mưa kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4. Tuy nhiên, không hiểu vì sao năm nay lũ không xuất hiện. Sông Paraguay chảy qua khu rừng ghi nhận mực nước thấp nhất kể từ năm 1973.
Xe cứu hỏa lấy nước từ xe bồn giữa một khung cảnh khó tin – đám cháy hút không khí mạnh tới mức tạo thành một cơn lốc khói. Nhiệt độ trên mặt đất khi đó nhanh chóng tăng lên trên 45 độ C. Các nhà khoa học cho biết việc Đại Tây Dương nóng lên ở phía trên đường xích đạo sẽ hút hơi ẩm từ Nam Mỹ, gây nên tình trạng khô hạn ở đây, và tạo ra nhiều cơn bão mạnh ở Bắc Mỹ.
Ông Philip Fearnside, nhà sinh thái học tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Amazon của Brazil, cho biết việc rừng mưa Amazon bị phá hủy ở phía bắc sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở rừng Pantanal trong một thời gian dài. Nguyên nhân là cây rừng giúp tái chế mưa, đẩy hơi ẩm trở lại không khí dưới dạng hơi nước, và sau đó gió sẽ mang hơi nước này tới khu vực khác.
Chưa có người nào thiệt mạng trong các vụ cháy ở rừng Pantanal, và tất cả nạn nhân đều là động vật hoang dã. Hàng nghìn động vật có thể đã bị ngọn lửa thiêu rụi, theo đánh giá của ông Rogerio Rossi, nhà sinh vật học ở Đại học Liên bang Mato Grosso.