Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 6,3% năm 2021, trong bối cảnh kinh tế châu Á sụt giảm mạnh.
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 6,3% năm 2021, theo nhận định trong một báo cáo mới được ADB công bố ngày 15/9.
Trong khi đó, ADB dự báo các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á sẽ suy giảm 0,7% trong năm nay. Đây sẽ là đợt suy thoái cấp khu vực đầu tiên sau gần 60 năm. Tổ chức này kỳ vọng châu Á có thể khôi phục ở mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nhận định tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tăng trưởng dương nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.
“Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”, ông nói.
Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020, ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của ADB, cho biết kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm nay và 3,5% năm 2021.
ADB nhận định triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp thúc đẩy quá trình phục hồi. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, những nguy cơ lớn vẫn còn. Đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau.
Báo cáo nhận định những mối đe dọa khác là căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.