Khoảng 200 con ếch vàng cực kỳ nguy cấp đang được bảo vệ khỏi một loài nấm nguy hiểm tại một địa điểm ở Panama
Những con ếch có màu vàng hoặc vàng với những đốm đen, đang sống trong một địa điểm được bảo vệ ở Panama nhằm tránh khỏi loài nấm có sức tàn phá khủng khiếp. Đây là tình huống mà các nhà khoa học đánh giá là “nguy cấp”, AFP đưa tin ngày 13.9.
Khoảng 200 con ếch vàng đang sống trong môi trường có kiểm soát ở các bể cá lắp đặt tại Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (STRI) – một cơ sở rộng 465 mét vuông ở Gamboa, phía bắc thành phố Panama.
Dù là sinh vật đặc hữu của quốc gia Trung Mỹ này, nhưng không có con ếch vàng Panama nào có thể được nhìn thấy trong môi trường tự nhiên do bị đe dọa bởi một loại “siêu nấm” đã tiêu diệt các sinh vật lưỡng cư trong tự nhiên.
Theo một báo cáo của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) được công bố tuần này, trái đất đã mất hơn 2/3 số lượng động vật có xương sống trong vòng chưa đầy 50 năm.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ, nơi mức độ thiệt hại được xác định là 94%.
Được cho là đã tuyệt chủng trong tự nhiên, theo AFP, chỉ có khoảng 1.500 con ếch vàng Panama nhỏ bé được tìm thấy trong các vườn thú nơi chúng có thể sinh sản.
Hãng tin này lưu ý, không chỉ có loài ếch mới dễ bị nấm. Cóc, kỳ nhông và caecilian – loài lưỡng cư không có chi tương tự như rắn – cũng có nguy cơ mắc bệnh.
“Ở Panama, chúng ta có thể nói rằng khoảng 1/3 trong số 225 loài lưỡng cư đang bị đe dọa theo một cách nào đó” – nhà nghiên cứu Roberto Ibanez của STRI cho biết.
Tiến sĩ Gina Della Togna – chuyên gia về sinh học phân tử và tế bào tại Đại học Maryland, Mỹ, mô tả tình hình là “nguy kịch”.
“Siêu nấm” được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với động vật lưỡng cư là nấm chytrid. “Siêu nấm” này lây lan qua nước.
Siêu nấm này bám vào da động vật và lây nhiễm khiến con vật chủ không thể trao đổi muối va nước với môi trường. Nhiễm nấm gây ra những tổn thương không thể khắc phục với các chức năng sống. Cuối cùng, con vật chết vì suy tim do ngạt thở.
Tiến sĩ Angie Estrada – nhà sinh vật học tại Đại học Công nghệ Virginia, Mỹ, cho biết: “Đó là một căn bệnh khá kịch tính và đau đớn”.
Vi sinh vật này được phát hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 20 ở bán đảo Triều Tiên và các nhà khoa học cảnh báo rằng nó đã lan rộng khắp thế giới. “Bất kỳ nơi nào trên thế giới có động vật lưỡng cư, nấm đã ở đó” – Tiến sĩ Estrada nói.
Siêu nấm chytrid đến Panama vào đầu những năm 1990 và đã hoành hành kể từ đó.