Mấy tuần vừa qua tình hình thời tiết cực đoan đang tiếp tục càn quét nước Mỹ, từ cháy rừng ở phía Bờ Tây đến các cơn bão ở Trung Tây và ở khu vực Bờ Vịnh gây thiệt hại vô cùng to lớn.
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của hệ thống tài chính nước Mỹ và vì vậy Washington cần phải có hành động quyết liệt để đối phó với tình hình này, báo cáo do ban cố vấn thuộc Ủy Ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn của Mỹ (Commodity Futures Trading Commission) công bố ngày 9/9 cho hay.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, báo cáo nhấn mạnh Tiểu ban Đặc biệt về Khí hậu đã có cảnh báo rõ ràng đối với Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn và kêu gọi cần phải tính toán chi phí khí thải nhà kính kỹ càng hơn ở Mỹ, đồng thời thúc giục các nhà quản lý tài chính phải có những bước đi nhằm sớm tính đến và tích hợp những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu vào các quy định áp dụng đối với ngân hàng, các quỹ quản lý tài sản và các công ty nói chung.
Ông Rostin Behnam, ủy viên Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn nhận định rằng mấy tuần vừa qua tình hình thời tiết cực đoan đang tiếp tục càn quét nước Mỹ, từ cháy rừng ở phía Bờ Tây đến các cơn bão ở Trung Tây và ở khu vực Bờ Vịnh gây thiệt hại vô cùng to lớn.
Theo ông, xu hướng này ngày càng trở thành xu hướng “bình thường mới” và sẽ ngày càng tệ đi về cả mức độ thường xuyên cũng như mức độ tàn phá, mà nguyên chính là do biến đổi khí hậu.
Theo báo Wall Street Journal, đây là lần đầu tiên một cơ quan quản lý tài chính liên bang đưa ra báo cáo cảnh báo về hiểm họa biến đổi khí hậu như thế này mặc dù chính các quan chức thuộc Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ, bao gồm cả các chính khách thuộc cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, cũng không hoàn toàn đồng tình với những cảnh báo đó.
Ông Heath Tarbert, chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ, thành viên Đảng Cộng hòa, tuyên bố trong một thông cáo vừa được đưa ra rằng hiểm họa của biến đổi khí hậu là có thực nhưng nhấn mạnh báo cáo đã đề cập tới “những rủi ro chuyển tiếp”, tức là những nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm giảm phát khí thải nhà kính đôi khi lại cũng là nguyên nhân gây rối loạn cho hệ thống tài chính chả khác gì chính sự biến đổi khí hậu.
Ông Tarbert cho rằng những nỗ lực đối phó hiểm họa biến đổi khí hậu quá nhanh hoặc quá chậm cũng tệ chẳng khác gì tiến hành đối phó quá ít hoặc quá muộn, chính vì vậy lãnh đạo phải có được những chính sách hết sức đúng đắn.
Một số rủi ro bản báo cáo đã xác định cụ thể bao gồm: điều chỉnh giá một cách lộn xộn đối với các loại tài sản khác nhau, gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau trong hệ thống tài chính và có thể làm gián đoạn hoạt động bình thường của thị trường tài chính.
Báo cáo nhận định việc định giá khí thải thống nhất trong toàn bộ nền kinh tế sẽ là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu khí thải nhà kính tuy nhiên việc định giá khí thải lại không thuộc thẩm quyền các nhà quản lý thị trường tài chính Mỹ có thể quyết mà phụ thuộc quyết định của Nghị viện.
Ông Bob Litterman, chủ tịch tiểu ban đưa ra báo cáo nói trên đồng thời là cựu giám đốc điều hành của tập đoàn Goldman Sachs cho rằng các thị trường tài chính hiện nay không định giá rủi ro biến đổi khí hậu bởi thị trường tài chính không thể tự làm việc này. Tuy nhiên nếu lỗ hổng cơ bản này không được giải quyết thì các dòng vốn sẽ đi chệch hướng đúng hết.