Trẻ em ở khu vực có xung đột vũ trang chịu nhiều ảnh hưởng từ nạn bạo lực giới, bạo lực tình dục, kết hôn sớm, không được trang bị kiến thức cơ bản trong cuộc sống.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 10/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề Trẻ em và Xung đột vũ trang.
Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề Trẻ em và Xung đột vũ trang Virginia Gamba, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore, đại diện tổ chức Liên minh toàn cầu bảo vệ giáo dục khỏi bị tấn công (GCPEA), đại diện Nghị viện trẻ Niger, 1 trẻ em đại diện cho khu vực Sahel và 15 nước thành viên Liên hợp quốc đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Virginia Gamba nhận định, các cuộc tấn công vào trường học và sử dụng trường học vào mục đích quân sự có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt tại khu vực Sahel, một số nước ở khu vực Châu Á và Mỹ Latinh.
Bà Gamba cho biết tình trạng này khiến một số cha mẹ không muốn cho con đến trường và giáo viên không dám dạy học. Do không được đến trường, trẻ em ở khu vực có xung đột vũ trang chịu nhiều ảnh hưởng từ nạn bạo lực giới, bạo lực tình dục, kết hôn sớm, không được trang bị kiến thức cơ bản trong cuộc sống.
Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng làm trầm trọng thêm tình trạng này. Bà kêu gọi các bên liên quan trong các cuộc xung đột chấm dứt tấn công và tăng cường bảo vệ các trường học, nơi che chở cho trẻ em.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore bày tỏ quan ngại về việc các vụ tấn công vào trường học gia tăng khiến trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, không được tiếp cận giáo dục.
Bà Fore cho biết UNICEF đã và đang triển khai các biện pháp hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, quay trở lại trường học đối với trẻ em ở khu vực xung đột vũ trang.
Bà Fore cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết gốc rễ vấn đề này; kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc tăng cường đầu tư cho giáo dục nói chung và các chương trình hỗ trợ giáo dục của UNICEF nói riêng.
Các đại diện khách mời khác cũng hối thúc tăng cường hỗ trợ cho trẻ em chịu ảnh hưởng của xung đột vũ trang, hỗ trợ tâm lý, nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục và sự cần thiết chấm dứt các cuộc tấn công trường học.
Các nước thành viên Hội đồng bảo an hoan nghênh phiên thảo luận được tổ chức đúng dịp kỷ niệm năm đầu tiên Ngày quốc tế chống tấn công vào trường học (9/9) và nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch về chủ đề này.
Các quốc gia khẳng định họ luôn quan tâm, ưu tiên sự phát triển của trẻ em; nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm khả năng trẻ em tiếp cận giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành.
Hội đồng bảo an cho rằng các cuộc tấn công và hành động bạo lực vào trường học có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em trong xung đột vũ trang và dẫn đến những hậu quả nặng nề khác.
Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ quan ngại trước tình trạng gia tăng các cuộc tấn công vào trường học và sử dụng trường học vào mục đích quân sự, khiến trẻ em tại các khu vực này không thể đến trường và tiếp cận các dịch vụ cơ bản, đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ đạo của quốc gia đối với tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em.
Đại sứ đề nghị xây dựng các biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này, xây dựng lại các cơ sở giáo dục bị phá hủy; bảo đảm trẻ em trong xung đột vũ trang được tiếp cận giáo dục và kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy cam kết, huy động nguồn lực bảo vệ trẻ em và trường học.
Đại sứ tái khẳng định cam kết và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam đối với nhiệm vụ bảo vệ trẻ em và mong muốn tăng cường hợp tác với các nước về vấn đề này.