Nhiều động vật biển có giá trị cao để làm thực phẩm hay làm đồ lưu niệm đã không còn được ghi nhận tại các mặt cắt khảo sát ở Khánh Hòa, chứng tỏ đã bị khai thác cạn kiệt
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang, trong đó xác định khu bảo tồn biển (KBTB) là nơi có hệ sinh thái đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam.
Nhiều điểm “bất an”
KBTB vịnh Nha Trang có hơn 440 loài động vật không xương sống, trong đó có nhiều loài mới được phát hiện ở Việt Nam; 350 loài san hô; 300 loài cá. Kết quả khảo sát của Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang vào tháng 6 cho thấy hiện độ phủ san hô sống chiếm khoảng 61% các hợp phần đáy khác. Tỉ lệ này nằm ở khoảng đầu trong thang bậc xếp hạng tốt (51%-75%) theo tiêu chuẩn sức khỏe rạn.
BQL vịnh Nha Trang cho biết điểm tích cực ở đây là ghi nhận sự hiện diện của một số nhóm cá đang tăng về kích thước và số lượng tại vùng lõi KBTB ở Hòn Mun, như cá hồng trung bình khoảng 6 cá thể/100 m2, nhóm cá mó có số lượng trung bình nhiều nhất là 14,5 cá thể/100 m2 và cá bướm là 13,25 cá thể/100 m2… Nguyên nhân chính là do các dịch vụ du lịch giảm từ tháng 1 đến tháng 6 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, việc khảo sát cũng chỉ ra nhiều điểm “bất an” khi các loài cá rạn san hô được lựa chọn là nhóm chỉ thị cho việc khai thác quá mức có mật độ ở mức thấp. Đơn cử như cá mú trung bình đếm được là 0,5 cá thể/100 m2, cá chình là 1 cá thể/100 m2; các loại cá như kẽm, mó gù, bàng chài gù không ghi nhận cá thể nào tại các mặt cắt khảo sát.
Ở nhóm thân mềm cỡ lớn, các loại ốc tù và, tôm bác sĩ và cầu gai bút chì không bắt gặp ở tất cả mặt cắt trong chuyến khảo sát. Đây là những động vật có giá trị cao để làm thực phẩm, đồ lưu niệm hay lưu giữ trong các bể cảnh. Sự thiếu vắng của nhóm có giá trị đặc biệt chứng tỏ nhóm này đã bị khai thác cạn kiệt.
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng BQL vịnh Nha Trang, cho biết hiện nay ban có một đội tuần tra hoạt động 24/24 giờ nhằm xử lý vi phạm và lặn theo dõi hệ sinh thái. Ban cũng bố trí các điểm lặn theo từng ngày để làm giảm yếu tố tác động của các phương tiện thủy không làm ảnh hưởng đến rạn san hô. Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng ban, ngành chú trọng việc tuyên truyền.
“Gần đây, KBTB vịnh Nha Trang có nhiều tín hiệu đáng mừng khi nhiều người dân chủ động thả rùa biển về tự nhiên, lên án mạnh mẽ các trường hợp phá hoại san hô, nhiều đàn cá heo xuất hiện… Điều này chứng tỏ môi trường, hệ sinh thái vịnh Nha Trang đang phục hồi, người dân dần có ý thức tốt. Việc bảo tồn này không chỉ mỗi mình cơ quan chức năng làm là được mà cần cả cộng đồng chung tay” – ông Thái cho biết.
Đối mặt với sao biển gai
Với chiều dài bờ biển lên đến 192 km, tỉnh Bình Thuận là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với sự phân bố của hầu hết các loài sinh vật từ đơn giản đến phức tạp, với nhiều bãi rạn san hô, đá ngầm.
Phú Quý là huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Bình Thuận, có tài nguyên sinh vật và sự đa dạng hệ sinh thái tiềm năng to lớn để phát triển ngành thủy sản, du lịch, dịch vụ… Tuy nhiên, nguồn tài nguyên biển của Phú Quý đang đối mặt với nguy cơ suy thoái mà nguyên nhân chính là hoạt động khai thác hải sản chưa được kiểm soát chặt chẽ làm mất cân bằng sinh thái; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị hóa và khai thác cảng biển, phát triển dịch vụ du lịch và tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu.
Kết quả điều tra đa dạng sinh học và hệ sinh thái đã xác định vùng đảo Phú Quý là nơi phân bố của 23 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Đặc biệt trong thời gian gần đây, sao biển gai xuất hiện quá nhiều đã tàn phá, giết chết san hô non. Ước tính vùng biển Phú Quý đang có mật độ 50-60 con sao biển gai/100 m2.
Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản Bình Thuận phối hợp UBND huyện Phú Quý đã tổ chức cho công chức, viên chức tham gia phong trào tiêu diệt sao biển gai bằng phương pháp lặn bộ, sử dụng kẹp sắt bắt phơi khô, dùng lửa đốt.
Để có căn cứ về khoa học và cơ sở pháp lý triển khai kế hoạch tiêu diệt sao biển gai, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đề nghị Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản – Tổng cục Thủy sản và Viện Hải dương học Nha Trang giúp địa phương các thông tin khoa học liên quan sao biển gai cũng như phương pháp tối ưu để tiêu diệt và tiêu hủy loài này.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết cách đây khoảng hơn 10 năm, vùng biển Bình Thuận được đánh giá có những rạn san hô tốt nhất cả nước nhưng những năm gần đây không còn nữa. Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản Bình Thuận, một số vùng rạn san hô lớn đã bị xâm hại nghiêm trọng, thu hẹp diện tích và đang chết dần. Trước mắt, hậu quả là giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, mức độ phục hồi các loài ngày càng giảm.
“Để giảm thiểu nguy cơ, tỉnh Bình Thuận đã đề xuất và được phê duyệt thành lập 2 KBTB cấp quốc gia là: Cù Lao Câu (huyện Tuy Phong, hoạt động 10 năm nay) và Phú Quý (đang làm thủ tục). Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra giám sát hành vi gây hại san hô, xây dựng các hoạt động quản lý vùng biển của cộng đồng ngư dân để tăng cường trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ một cách bền vững. Trong đó, bảo vệ và mở rộng các bãi rạn san hô là hết sức quan trọng” – ông Huy nói.
Không thể để ngân sách lo mãi
Ông Nguyễn Thiết Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Khánh Hòa, cho rằng chính quyền tỉnh Khánh Hòa phải đưa ngay vào thực tiễn một số điểm trong thời gian tới như: Quy hoạch sử dụng hợp lý theo quan điểm quản lý tổng hợp vùng bờ; doanh nghiệp du lịch phải bắt buộc đầu tư vào bảo tồn và sử dụng hợp lý vịnh; nuôi trồng các loại thủy sản có lợi, trồng cỏ biển, rừng ngập mặn… Những doanh nghiệp du lịch hưởng lợi từ sự sạch đẹp của vịnh Nha Trang phải đóng góp vào ngân sách chứ không thể để ngân sách lo mãi. |