Trung Quốc gom 10 vườn quốc gia thành hệ thống khu bảo tồn mới

Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống vườn quốc gia mới vào cuối năm nay nhằm mang lại lợi ích cho động vật hoang dã và cộng đồng dân cư, tuy nhiên, việc cân bằng giữa bảo tồn với phát triển ngành du lịch có thể phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Lối vào Vườn quốc gia Gấu trúc nằm khá sâu trong rừng, phải đi qua một con đường mù sương nằm giữa hẻm núi dựng đứng nhưng mặt đường khá đẹp và dễ đi. Bên trong có một thư viện và bảo tàng tự nhiên nhỏ, dành để trưng bày di sản thiên nhiên của khu vực, đặc biệt là điểm nhấn của nó – gấu trúc.

Cảnh quan hoang dã ở Tây Tạng đặc trưng cho Vườn quốc gia Tam Giang Nguyên. Trung Quốc có kế hoạch hoàn thiện 10 vườn quốc gia mới (gom nhiều khu bảo tồn thành một) vào cuối năm 2020. (Ảnh: Kyle Obermann/NatGeo)

Những công trình du lịch kiểu này rải rác khắp các khu rừng tre cao vút của tỉnh Tứ Xuyên – nơi dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành Khu bảo tồn gấu trúc mới. Đây là một phần của hệ thống vườn quốc gia mới bao gồm 10 khu thí điểm trải rộng 12 tỉnh, với mục tiêu bảo vệ sinh cảnh cho các loài nguy cấp như hổ Siberi ở biên giới Nga – Trung hoặc 30 cá thể vượn đen Hải Nam còn lại trên thế giới hiện sinh sống ở các khu rừng nhiệt đới phía nam Trung Quốc.

Bằng việc gom hàng trăm khu bảo tồn do nhiều cơ quan, tỉnh thành quản lý về một mối, mục tiêu của hệ thống bảo tồn mới là sắp xếp hợp lý và tăng cường công tác bảo tồn dưới sự quản lý của cơ quan trung ương là Cục Lâm nghiệp Trung Quốc.

Hiện các khu bảo tồn thử nghiệm (sẽ thành lập chính thức vào cuối năm nay) có diện tích tương đương 2/3 tổng hệ thống vườn quốc gia của Mỹ. Khu lớn nhất là VQG Tam Giang Nguyên có diện tích ngang với bang Mississippi.

Dẫu kinh tế đang suy trầm vì Covid-19, Trung Quốc vẫn giữ mục tiêu hoàn thiện hệ thống khu bảo tồn vào cuối năm nay, theo thông tin từ Rose Niu, Giám đốc bảo tồn thuộc Viện Paulson và là người góp phần kiến tạo các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Trung Quốc từ năm 1997.

Trong khi đại dịch gây trở ngại cho nguồn lực đầu tư rộng hơn vào lĩnh vực bảo tồn, “việc thành lập các vườn quốc gia vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc”, Rose Niu khẳng định.

Tháng 8/2019, Trung Quốc tổ chức hội thảo đầu tiên về vườn quốc gia. Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình gửi thư công khai ủng hộ dự án.

Dù quyết tâm triển khai kế hoạch đầy tham vọng, Trung Quốc vẫn có những trở ngại cần vượt qua, nổi bật nhất là việc hợp tác với người dân địa phương và cân bằng nhu cầu du lịch với bảo tồn các loài hoang dã.

Đơn cử, Trung Quốc chỉ cung cấp nơi tái định cư tự nguyện cho một phần trong số 652.000 người sống trong 10 khu bảo tồn, với mong muốn các cộng đồng hiện tại sẽ chào đón du lịch sinh thái và trân trọng hệ thống mới về các khu bảo tồn – mô hình rập khuôn một phần hệ thống các vườn quốc gia của Mỹ.

Nhưng 99% các cộng đồng nghèo ở Trung Quốc lại nằm trong phạm vi gần 100 km quanh các khu bảo tồn thiên nhiên có từ trước vốn cũng là trụ cột của hệ thống vườn quốc gia mới. Do đó, để kế hoạch được thực hiện thành công, người dân cũng phải được hưởng lợi, theo Li Xinrui, cán bộ quản lý một hợp tác xã thuộc Khu bảo tồn cộng đồng Quan Bá.

“Cố gắng bảo vệ hiệu quả hay không phụ thuộc vào quy trình thành lập một khu bảo tồn thiên nhiên hoặc một vườn quốc ia mà phụ thuộc vào sinh kế người dân địa phương thay đổi thế nào. Thu nhập và đời sống của mọi người tốt thì nỗ lực bảo tồn thiên nhiên cũng sẽ hiệu quả”.

Du khách đơn độc

Hiện rất nhiều người sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên của Trung Quốc làm việc trong ngành du lịch sinh thái trị giá tới 3 tỷ đô là và mỗi năm phục vụ 128 triệu du khách. Nhưng còn một chặng đường dài phải đi. Chẳng hạn, chính phủ vẫn chưa tuyên bố kế hoạch cấp phép vào thăm và cắm trại ở những nơi thưa người (tương tự như các vườn quốc gia ở Mỹ) để quy định cách thức con người thăm thú thiên nhiên.

Jennifer Turner, Giám đốc Diễn đàn môi trường Trung Quốc thuộc Trung tâm Wilson ở Washington giải thích: “Chưa có cả kế hoạch tức thời về kiểm lâm vườn quốc gia”. Giới chức một số địa phương đang thuê mướn kiểm lâm nhưng chưa có cơ cấu chính thức hay quy trình đào tạo ở khắp các dự án thí điểm.

Hơn nữa, du lịch sinh thái (được định nghĩa là mang lại lợi ích cho cả người dân địa phương và môi trường) chỉ hiện diện ở 1/5 các khu bảo tồn thiên nhiên tại Trung Quốc.

Làm du lịch đúng cách

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng các dự án du lịch sinh thái hiện có nhiều khả năng sẽ thúc đẩy nỗ lực ở hệ thống bảo tồn mới.

Chẳng hạn ngôi làng Angsai tọa lạc ở bờ thượng nguồn sông Mê Kông thuộc Vườn quốc gia Tam Giang Nguyên và là vùng xa xôi hẻo lánh ở Tây Tạng từ năm 2018 đã thực hiện chương trình du lịch cộng đồng và mang lại lợi ích cho cả người dân cùng loài báo tuyết – điểm nhấn thu hút du khách tới đây.

Một cá thể gấu trúc do bẫy ảnh thu nhận được ở khu bảo tồn cộng đồng Quan Bá. (Ảnh: Kyle Obermann/NatGeo)

Với chi phí 43 đô la một ngày, du khách sẽ ở cùng với các gia đình Tây Tạng, được họ hướng dẫn tới các địa điểm ngắm loài “mèo ma” quý hiếm. Khoảng 75% du khách đều ở lại ít nhất ba ngày để ngắm báo, theo chuyên gia tư vấn Terry Townshend thuộc Trung tâm bảo tồn Sơn Thủy (một trong những tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn lớn nhất Trung Quốc) và là cố vấn cho Viện Paulson.

“Cộng đồng đưa ra những quyết định quan trọng, 100% nguồn thu thuộc về cộng đồng. Thành công thật sự tuyệt vời”.

Năm 2019, Angsai là thương hiệu nhượng quyền du lịch cộng đồng đầu tiên trong một vườn quốc gia thí điểm được chính quyền chấp thuận. Townshend cho rằng: “Angsai cho thấy cách làm du lịch ở những vùng nhạy cảm về môi trường”.

Chuyên gia Marc Brody làm việc ở Trung Quốc từ năm 1994 và người thành lập tổ chức bảo tồn Panda Mountain cũng đồng ý rằng du lịch sinh thái được tổ chức tốt như ở Angsai và Khu bảo tồn thiên nhiên Wolong (đại bản doanh của Trung tâm gấu trúc Wolong) sẽ thúc đẩy các hệ sinh thái địa phương.

Nhiệm vụ cốt lõi của các vườn quốc gia Trung Quốc là cổ xúy văn minh sinh thái, kết quả sẽ tốt hơn nếu có sự tham gia của du khách” Brody cho hay.

Theo hiến pháp Trung Quốc năm 2012, văn minh sinh thái có nghĩa là cân bằng một cách bền vững giữa kinh tế và môi trường.

“Quá trình để người dân tham gia vào phục hồi môi trường sống là cách con người nhìn nhận về cảnh quan toàn diện và tương hỗ hơn và cũng để phục hồi hy vọng rằng chúng ta có thể cứu được các loài nguy cấp”.

Những hiểm họa phát triển

Dĩ nhiên du lịch bừa bãi sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường mà chúng ta đang cố gắng gìn giữ.

Năm 2018, Viện Khoa học Trung Quốc công bố báo cáo về một số khu bảo tồn thí điểm sử dụng nguồn tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nhưng phương hại đến môi trường. Công nghệ viễn thám chỉ rõ các khu bảo tồn này ráo riết mở đường, xây dựng lưới điện và các tòa nhà gây tổn hại cho những khu vực nhạy cảm sinh thái.

Vườn quốc gia Thần Nông Giá là ví dụ điển hình về chuyển đổi sinh cảnh sang thúc đẩy du lịch. Năm 2011, chính quyền địa phương bạt 6 m tại chân một đỉnh núi cao khoảng 240 m để lấy thêm không gian cho sân bay nhằm tiếp cận thuận lợi với di sản UNESCO là nơi sinh sống của những loài quý hiếm như báo gấm và voọc mũi hếch vàng.

Bù lại cho tình trạng sinh cảnh bị phân mảnh vì đường sá và các công trình phát triển, nhiều khu bảo tồn thí điểm như Thần Nông Giá và Gấu trúc lập ra hành lang động vật hoang dã để các loài như gấu trúc thoải mái di chuyển trong sinh cảnh.

Tháng 8/2020, bẫy ảnh thu được hình ảnh một cá thể gấu trúc tại một trong các hành lang thuộc Vườn quốc gia Gấu trúc. Đây là hình ảnh đầu tiên về loài kể từ khi bắt đầu đặt bẫy ảnh từ năm 2002.

Sống theo nhóm bị cô lập là mối nguy lớn nhất với gấu trúc với số lượng cá thể chỉ khoảng 1.800 phân bố tại các tỉnh tây nam Trung Quốc như Cam Túc, Sơn Tây, Tứ Xuyên. Cuối năm nay, Vườn quốc gia Gấu trúc sẽ gồm tới 77 khu bảo tồn, chiếm 70% sinh cảnh chung của gấu trúc. Năm 2016, IUCN xếp gấu trúc từ nhóm “nguy cấp” thành “sắp nguy cấp”.

Quần thể gấu trúc đang tăng nhưng các loài nguy cấp khác thì không.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution vào tháng 8 đưa ra nghi ngờ về ý tưởng “loài bảo trợ” bảo vệ gấu trúc ở sinh cảnh bản địa cũng mang lại lợi ích cho các loài quan trọng khác. Từ những năm 1960, vùng phân bố báo gấm, sói xám và sói lửa trong các khu bảo tồn gấu trúc giảm 75%.

Một ngôi nhà kiểu Tây Tạng ở chân núi thuộc Vườn quốc gia Tam Giang Nguyên, hàng nghìn cư dân địa phương được tuyển dụng làm kiểm lâm. (Ảnh: Kyle Obermann/NatGeo)

Khoảng trống bảo tồn có thể xuất phát từ việc gấu trúc chỉ cần vùng sinh sống vài dặm vuông, tức là tương đương 5 -10% vùng sinh sống của các loài ăn thịt được nghiên cứu.

Li Xinrui không ngạc nhiên về điều đó: “Bảo vệ hiệu quả khi người ta bắt đầu với những loài nổi tiếng như gấu trúc. Nhưng không tính đến những loài hung dữ như hổ hay báo. Ngoài ra, nhà nước chưa có kinh nghiệm quản lý nhiều khía cạnh đến thế”.

Bảo vệ những gì bạn yêu quý

Giới chuyên gia đồng ý rằng có một số điểm sáng trong hệ thống bảo tồn mới của Trung Quốc nhưng còn quá sớm để dự đoán xem về lâu dài các khu này tác động ra sao tới bảo tồn và sinh kế người dân địa phương.

Turner e rằng cú sốc kinh tế năm nay sẽ khiến Trung Quốc khó đạt được các mục tiêu bảo tồn và đa dạng sinh học, đồng thời lưu ý chính quyền địa phương đang tài trợ cho nhiều khu bảo tồn thí điểm thay vì dịch vụ tại các vườn quốc gia hiện có vốn sẽ thu được nhiều nguồn lực hơn.

Rose Niu hy vọng rằng tập trung vào các vườn quốc gia sẽ thúc đẩy kết nối ngày càng tăng ở Trung Quốc giữa con người và thiên nhiên, nhất là với lớp trẻ.

“Nếu bạn yêu mến một nơi thì sẽ bảo vệ nơi đó, đúng không? Nên có thêm cơ hội cho người dân Trung Quốc thăm thú các vườn quốc gia, khu bảo tồn thì tôi cho là mối quan tâm của mọi người với các vấn đề bảo tồn sẽ tăng và hỗ trợ cho bảo tồn cũng cao hơn”.

Nhật Anh (Theo National Geographic)

Nguồn: