Đó là chia sẻ đầy xót xa của Sangita Iyer, người từng chứng kiến và thấu hiểu sự đau đớn của những con voi bị hành hạ khi phục vụ các nghi lễ tôn giáo.
Sangita Iyer sinh ra ở bang Kerala, Ấn Độ nhưng hiện sống ở Toronto, Canada. Khi còn nhỏ, cô thấy những con voi phục vụ trong các buổi diễu hành và nghĩ rằng chúng thật đẹp. Đến khi hiểu được những nỗi đau và sự thiệt thòi của loài vật to lớn này khi tham gia các nghi lễ tôn giáo, Iyer cảm thấy thương xót cho chúng.
“Dây xích cắt vào thịt đã gây ra những vết thương nghiêm trọng trên nhiều cá thể voi, đặc biệt là vùng hông, hoặc tạo ra các khối u lớn, khiến máu chảy ra từ mắt cá chân, thậm chí còn khiến một số con voi bị mù”, Iyer nói với BBC.
Cô đã thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên “Gods in Shackles” (Tạm dịch – Những vị thánh bị xiềng xích) nhằm hướng sự chú ý của dư luận đến tình trạng nhiều cá thể voi bị đối xử tàn bạo trong đền thờ mà cô từng chứng kiến khi còn ở Ấn Độ.
“Mớ xiềng xích nặng nề khiến lũ voi hoàn toàn bất lực. Tôi thực sự đau lòng khi chứng kiến điều này”, Iyer nói.
Truyền thống lâu đời
Voi là loài động vật có địa vị cao trong hệ thống tín ngưỡng của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Các đền, chùa và tu viện đã sử dụng voi để thực hiện những nhiệm vụ thiêng liêng trong nhiều thế kỷ qua. Nhiều người sùng đạo thậm chí còn cầu xin được ban phước từ những con voi.
Gần ngôi đền Guruvayur nổi tiếng thuộc bang Kerala của Ấn Độ có một bức tượng với kích thước như thật của voi thiêng Kesavan. Nhiều giai thoại kể lại rằng Kesavan đã đi vòng quanh ngôi đền trước khi đổ gục xuống chết vào năm 1976, hưởng thọ 72 tuổi. Người dân thường tụ tập và bày tỏ thương tiếc đối với cái chết của những con voi trong đền, kể cả khi chúng không nổi tiếng như trường hợp của Kesavan.
“Họ tra tấn những con voi đến chết rồi làm nghi lễ tưởng niệm, rơi những giọt nước mắt cá sấu như thể họ thực sự đau buồn vì cái chết của những con voi này”, Iyer bức xúc.
Voi phục vụ nghi lễ được sử dụng trong các ngôi đền trên khắp Ấn Độ, nhưng tập trung chủ yếu ở Kerala. Bang này là nơi cư trú của khoảng 20% trong tổng số 2.500 con voi bị nuôi nhốt trên toàn Ấn Độ. Riêng Đền Guruvayur đã sở hữu hơn 50 cá thể voi.
Ngành kinh doanh béo bở
Voi phục vụ nghi lễ có thể là nguồn sinh lợi đáng kể cho chủ sở hữu của chúng. Theo Iyer, một số cá thể voi đôi khi đem về nguồn thu lên đến 10.000 USD sau khi phục vụ trong một lễ hội. Số tiền này thường do ban tổ chức lễ hội, chủ doanh nghiệp và chủ mặt bằng chi trả.
Thechikkottukavu Ramachandran là một trong những cái tên nổi tiếng nhất trong ngành kinh doanh voi phục vụ nghi lễ. Ramachandran cũng được cho là con cao nhất trong số những con voi nuôi nhốt ở châu Á.
Dù đã 56 tuổi và bị có tầm nhìn rất hạn chế, voi Ramachandran vẫn nổi bật và thu hút được sự chú ý trong các cuộc diễu hành thường niên ở Thrissur và thậm chí còn có trang riêng trên Wikipedia.
Do những áp lực đến từ quản tượng và đám đông, Ramachandran đã nhiều lần mất kiểm soát. Nó khiến hai người thiệt mạng trong năm 2019. Vụ việc khiến chính quyền địa phương cấm sử dụng voi trong các buổi diễu hành và lễ hội, song lệnh cấm lại được dỡ bỏ sau các cuộc biểu tình của người dân trong vùng.
Trong một chuyến thăm quê nhà Ấn Độ năm 2013, sau một vài năm sinh sống ở Canada, Iyer mới lần đầu tiên bắt gặp những con voi không mang đồ trang trí và quần áo nghi lễ trên người.
“Những con voi bị tra tấn một cách tàn bạo bởi móc câu, dây xích và những cây gậy to, dài, có gai được dùng để chọc vào khớp chúng, gây đau đớn khủng khiếp”, Iyer mô tả.
Một con voi đực tên Ramabadran bị thương nghiêm trọng đến mức Ủy ban Phúc lợi Động vật Ấn Độ đề nghị giết nhân đạo để con vật không phải chịu đau đớn kéo dài. Ramabadran vẫn bị lạm dụng trong các nghi lễ đền thờ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
“Thật tệ khi thấy con voi nhúng chiếc vòi bị liệt của mình vào bể nước nhưng lại bất lực không thể hút nước uống”, Iyer đau xót kể lại.
Điều kiện nuôi nhốt khắc nghiệt
Các chuyên gia cho biết những hạn chế trong quy định của chính quyền đã ngăn cản giới khoa học tiến hành những nghiên cứu về tình trạng thể chất và tâm lý của voi nghi lễ nuôi nhốt trong các đền.
“Một ngôi đền chưa bao giờ là địa điểm phù hợp để nuôi voi”, tiến sĩ Raman Sukumar thuộc Viện Khoa học Ấn Độ nhận xét.
“Voi là loài động vật có tính xã hội cao, do đó chỉ nên được nuôi theo bầy đàn. Trong môi trường tự nhiên, voi không sống thành một nhóm toàn cá thể cái như trong các đền ở Tamil Nadu, hay nhóm toàn con đực như trường hợp các đền ở Kerala”, ông Sukumar nói.
Ở voi châu Á, chỉ những con đực mới có ngà, nên các nhà quản lý đền thờ ở Kerala chuộng sử dụng voi đực hơn. Tuy nhiên, voi cái cũng được sử dụng rộng rãi ở nhiều vùng khác thuộc miền Nam Ấn Độ.
Năm 2014, Iyer bắt gặp một cá thể voi bị nuôi nhốt và đã yêu quý con vật ngay lập tức.
“Lần đầu tiên nhìn thấy Lakshmi cho tôi cảm giác như thể tình yêu sét đánh vậy. Tôi đặt tay dưới cổ Lakshmi và vuốt ve phần ngực của Lakshmi, rồi con vật bắt đầu ngửi bàn tay tôi. Loài voi rất nhạy cảm với các loại mùi hương”, Iyer kể lại.
Cô đã hoàn toàn sững sờ khi gặp lại Lakshmi vào một năm sau đó.
“Tôi đã rất hoảng hốt vì nhìn thấy con voi tội nghiệp chảy nước mắt”, cô nói.
Được biết, Lakshmi đã lấy thức ăn từ tay của người quản tượng. Trong cơn tức giận, người đàn ông này đã ra tay đánh đập không thương tiếc bằng móc sắt. Một đòn đánh bằng móc sắt đã làm mù Lakshmi.
Những người quản tượng thường dùng các hình thức tra tấn tương tự chương trình huấn luyện xiếc thú để ép voi nghi lễ tuân lệnh và phục vụ diễu hành.
“Họ trói và đánh đập lũ voi trong 72 giờ đồng hồ liền, khiến tinh thần chúng suy sụp và buộc các con vật phải tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào mà quản tượng đưa ra”, Iyer nói.
Vào năm 2019, chính quyền bang Kerala thông báo rằng sẽ siết chặt các quy định quản lý và nuôi nhốt voi, song tiến độ diễn ra rất chậm. Nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng bộ quy tắc hiện hành cũng đang không được áp dụng một cách chỉn chu và chính xác.
Theo Iyer, nhiều ngôi đền không có ý định sẽ thay đổi bất kỳ điều gì về việc nuôi nhốt voi nghi lễ.
“Phủ nhận lỗi lầm mà mình đã gây ra vẫn luôn dễ hơn việc chấp nhận rằng bản thân đã sai và hành động để sửa chữa lỗi sai đó”, cô nói.