Trong 20 năm qua, lượng phát thải khí methane trên toàn cầu hằng năm đã tăng gần 10% bất chấp những cam kết quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hội đồng Nhân quyền LHQ thảo luận về quyền của người khuyết tật trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Kết luận này được đưa ra trong nghiên cứu mang tên Dự án Carbon toàn cầu, trong đó xem xét lượng phát thải khí methane, một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính, trong hai thập kỷ qua.
Hơn 90 nhà khoa học quốc tế tham gia dự án nói trên đã thu thập dữ liệu từ khoảng 100 trạm quan trắc trên toàn thế giới từ năm 2000-2017. Theo các nhà khoa học, sự gia tăng lượng phát thải khí methane đã khiến nồng độ khí hấp thụ ánh sáng Mặt Trời trong khí quyển tăng cao kỷ lục trong năm 2017, năm gần nhất mà các dữ liệu được tập hợp đầy đủ, lên mức 596 triệu tấn.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sự gia tăng lượng khí methane hằng năm là do con người gây ra theo 3 hình thức: nông nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hóa thức ăn của gia súc), việc đốt các nhiên liệu hóa thạch và sự phân hủy của các chất hữu cơ trong rác thải.
Nghiên cứu đã phát hiện hơn 60% khí methane thải ra môi trường hiện nay là do các hoạt động của con người. Trong khi đó, lượng khí methane hình thành tự nhiên trong các vùng đầm lầy và hồ vẫn không thay đổi.
Các nhà khoa học cảnh báo với mức độ gia tăng khí thải hiện tại, đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu có thể sẽ tăng hơn 3 độ C so với năm 1750, vượt xa mục tiêu tăng nhiệt độ 2 độ C được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Theo Giáo sư Akihito Ito thuộc Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản, đồng thời là thành viên tham gia dự án trên, những biện pháp cắt giảm khí thải chưa đủ mạnh, trong bối cảnh hoạt động công nghiệp và nông nghiệp ngày càng phát triển, là lý do chính làm tăng nồng độ khí methane trong khí quyển.
Báo cáo cũng ghi nhận sự khác biệt về mức độ phát thải khí methane ở từng khu vực. Theo Giáo sư Ito, châu Âu là khu vực duy nhất có lượng khí thải trong năm 2017 giảm tối thiểu 1,6 triệu tấn so với giai đoạn 2000-2006, nhờ “các biện pháp bắt buộc nhằm bảo vệ môi trường”.
Trong khi đó, ở ba khu vực là châu Phi và Trung Đông, Trung Quốc, cùng Nam Á và châu Đại Dương, lượng phát thải khí methane đã nhảy vọt lên mức 15 triệu tấn. Tiếp theo là Bắc Mỹ, với mức tăng tối thiểu 5 triệu tấn, chủ yếu do lượng khí thải từ Mỹ. Ở Bắc Mỹ và Trung Quốc, các nhiên liệu hóa thạch là nguồn phát thải chính của khí methane.
Trong khi đó, tại những khu vực có nền công nghiệp kém phát triển hơn như châu Phi và châu Á, các hoạt động nông nghiệp và xử lý rác thải lại là nguyên nhân chính khiến lượng khí này gia tăng.
Riêng với Nhật Bản, ông Ito cho biết lượng phát thải khí methane tại nước này đang có xu hướng giảm kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, chủ yếu do hoạt động sản xuất lúa gạo giảm đáng kể.
Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới có xu hướng phát thải khí methane nhiều hơn. Năm 2017, trong khi 64% lượng khí thải này đến từ các khu vực nằm dưới 30 độ vĩ Bắc, thỉ chỉ có 4% đến từ các khu vực từ 60 độ vĩ Bắc trở lên.
Nhóm nghiên cứu hy vọng các phát hiện mới đây sẽ tác động đến các chính sách nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu trong tương lai. Theo Giáo sư Ito, mặc dù hiện có rất nhiều công nghệ có sẵn để kiểm soát các nguồn phát thải khí methane, nhưng chúng chưa được áp dụng rộng rãi vì chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên, những hành động thiết thực như giảm thiểu lượng rác thải thực phẩm cũng có thể tạo nên sự khác biệt.
Hiện nay, lượng khí methane được thải ra môi trường đã tăng khoảng 50 triệu tấn/năm so với mức trung bình trong giai đoạn từ năm 2000-2006. Nồng độ khí methane cũng đã tăng gấp 2,5 lần kể từ năm 1750, thời điểm ngay trước khi diễn ra cuộc Cách mạng Công nghiệp.
Các nhà khí tượng nhấn mạnh cần giảm thiểu sự giải phóng khí methane, do nó có khả năng khiến nhiệt độ ấm lên cao hơn gấp 84 lần so với cùng lượng khí CO2 trong vòng 20 năm tới. Cho đến nay, methane cũng là nguyên nhân gây ra sự ấm lên toàn cầu lớn thứ hai sau CO2, khi ảnh hưởng của khí này chiếm tới 23% trong số tất cả các loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
Theo các nhà khoa học, bên cạnh việc làm tăng mực nước biển, cũng như số cơn bão mạnh và kéo dài mùa khô tại nhiều khu vực trên thế giới, nhiệt độ cao cũng sẽ làm tăng tốc độ tan chảy băng vĩnh cửu ở Bắc cực.
Việc mất đi lớp băng vĩnh cửu sẽ khiến các khí methane và CO2 thoát ra từ các khu vực chứa hai loại khí này, từ đó tiếp tục làm trầm trọng thêm trạng ấm lên toàn cầu, đồng thời gây cản trở cho việc hiện thực hóa mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C.