Chủ tịch Tập Cận Bình đang hướng tới tái sinh nông thôn Trung Quốc với hàng tỷ USD đưa về các làng quê. Tuy nhiên, qua 2 năm, vùng nông thôn Trung Quốc vẫn phải đương đầu với nghèo đói và thị trường mất ổn định.
Giai đoạn đầu của kế hoạch này được khởi động vào cuối năm 2018 và kết thúc vào 2022. Chính phủ Trung Quốc còn có thêm nhiều kế hoạch hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn đến năm 2035 rồi đến năm 2050 thay đổi hoàn toàn vùng nông thôn. Mục tiêu là những khu vực như tỉnh Sơn Đông và Cát Lâm vươn tới hình ảnh như các tiểu bang Trung Tây Bắc là “vành đai nông nghiệp” của Mỹ.
Trên truyền thông Trung Quốc trong thời gian qua là hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát các cánh đồng lúa, trang trại nuôi cá, vườn nho ở Ninh Hạ. Bên cạnh đó, là cảnh nhà lãnh đạo này thong thả đi qua vườn hoa ly tại tỉnh Sơn Tây, thăm quan nơi trồng nấm ở tỉnh Thiểm Tây.
Nhưng bà Kristen Looney tại Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định: “Hồi sinh vùng nông thôn gắn liền với phương thức thành thị hóa hình thành dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này đã gây nhiều bối rối ở mức dịa phương về việc thi hành các chính sách mới”.
Tờ Guardian (Anh) đưa tin hàng nghìn người dân làng tại tỉnh Sơn Đông đã chấp thuận phá nhà từ tháng 3. Chính quyền địa phương được “bật đèn xanh” để dỡ bỏ khoảng 8.000 ngôi nhà và đưa người dân làng lên thị trấn. Nhưng xảy ra tình trạng nhiều người dân đang rơi vào cảnh vô gia cư bởi việc phá nhà cửa diễn ra trước khi thỏa thuận đền bù và tái định cư được thống nhất.
Theo bà Kristen Looney, người nông dân Sơn Đông thừa nhận rằng sẽ phải mất 2 năm để xây nhà mới và chưa có gì đảm bảo họ có thể được tái định cư vào nơi mới. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ “vô gia cư” trong 2 năm.
Trong vài thập niên qua, nhiều vùng nông thôn Trung Quốc bị lãng quên bởi địa lý xa xôi hoặc người dân chuyển đến những khu vực thành thị để tìm kiếm việc làm và có giáo dục hay cuộc sống tốt hơn.
Những ngôi làng bị bỏ lại trở nên trống vắng, chỉ còn người già và trẻ em sinh sống. Thời điểm nhộn nhịp nhất là vào Tết Nguyên Đán khi những người xa quê bắt đầu trở về trong dịp nghỉ lễ.
Động thái đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình để giải quyết tình trạng này là vào năm 2014 với chương trình giảm đói nghèo. Theo đó, chương trình xếp những hộ gia đình thuộc diện nghèo khó là thu nhập hàng năm dưới 2.780 nhân dân tệ. Điều này khiến các quan chức địa phương ra sức để người dân địa phương vượt qua mức thu nhập này.
Mục tiêu trên giấy tờ là vậy, nhưng trong cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trên 600 triệu người dân nước này vẫn sống ở mức 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,2 triệu đồng)/tháng. Trong khi thu nhập thường niên bình quân đầu người của Trung Quốc là hơn 30.000 nhân dân tệ.
Dịch COVID-19 càng gia tăng áp lực lên Chính phủ Trung Quốc về cam kết với chuyển giao kinh tế nông thôn ở thời điểm kinh tế nước này “giảm tốc”. Và đặc biệt là khi khoảng 300 triệu người lao động nhập cư vẫn ở quê nhà khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm khiến họ chưa quay trở lại nơi làm việc.
Những khẩu hiệu như “nông nghiệp xanh’, “nông nghiệp đặc thù” được tuyên truyền nhưng giới chức địa phương dường như vẫn ưu tiên kiểu nông trại lớn, sản xuất công nghiệp.
Một số vùng lại hướng đến nông trại quy mô nhỏ chuyên môn hóa nhưng đem lại lợi nhuận cao, đặc biệt là rau quả, trà, thảo mộc và các sản phẩm được lợi thế về địa lý cùng khí hậu. Nông trại hữu cơ Teshi tại tỉnh Quảng Đông là một trong những đơn vị đi theo làn sóng hồi sinh nông nghiệp của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đại diện nông trại hữu cơ Teshi còn thảo luận với lãnh đạo địa phương về việc quản lý những nông trại khác trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc thuê đất của người nông dân và thuê chính họ làm việc, thực hành công nghệ hữu cơ. Nông trại này còn đang tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng ở vùng lân cận trở thành trung tâm giáo dục cho thanh niên địa phương.
Ông Matt Chitwood tại Viện Các vấn đề Thế giới đương đại (ICWA) nhận xét một khó khăn là liệu người dân nông thôn Trung Quốc có thể hình thành phương thức kinh doanh cạnh tranh trong nền kinh tế hiện đại. Nhiều người chưa được đào tạo cơ bản về kinh doanh và cũng chưa nắm rõ được thị trường mà họ được đưa vào.
Ông Matt Chitwood nói: “Tôi cho rằng đó là điều khó khăn nhất với chính phủ Trung Quốc. Không có câu trả lời dễ dàng cho điều này. Với việc loại bỏ nghèo đói và hồi sinh nông nghiệp thì chiến thuật dài hạn là giáo dục”.