Động vật hoang dã không thể có vaccine ngừa bệnh như con người. Chúng có thể phòng ngừa dịch bệnh qua cách sống và hành vi. Một số loài động vật như tinh tinh và ong biết áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong bầy đàn để tránh lây lan dịch bệnh.
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã áp dụng giãn cách xã hội để tránh lây lan dịch COVID-19. Trong thế giới tự nhiên, bệnh truyền nhiễm cũng không phải là hiếm có. Trên thực tế, nhiều loại vật sẽ “trục xuất” những cá thể nhiễm một tác nhân gây bệnh trong đàn.
Trong vài thập niên gần đây, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu về hành vi của động vật với đồng loại mắc bệnh truyền nhiễm để bảo vệ bản thân chúng và bầy đàn.
Nhà khoa học Joseph Kiesecker tại Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (Mỹ) nhấn mạnh rằng không dễ phát hiện cá thể nhiễm bệnh trong đàn bằng mắt. Tuy nhiên, động vật có giác quan đặc biệt có khả năng phát hiện một số căn bệnh nhất định, đôi khi còn trước cả khi xuất hiện triệu chứng. Từ đó, chúng sẽ thay đổi hành vi để tránh lây nhiễm bệnh từ đồng loại.
Ông Joseph Kiesecker đã thực hiện nhiều thí nghiệm và phát hiện ra rằng nòng nọc có thể phát hiện được đồng loại nhiễm vi sinh vật chết người và những con khỏe mạnh sẽ xa lánh những con bị bệnh.
Trong khi đó, Giáo sư Dana Hawley tại Đại học Bách khoa Virginia cho biết kiến là một ví dụ điển hình về hành vi giãn cách xã hội. Chúng sống trong đàn đông đúc với hàng nghìn con do vậy một căn bệnh truyền nhiễm bùng phát có thể xóa sổ cả đàn. Những con kiến bị ốm sẽ ngay lập tức tự cách ly và tách ra khỏi đàn.
Bà Julia Saltz tại Đại học Rice (Mỹ) đưa ra ý kiến rằng lý do khiến kiến mắc bệnh tự rời đàn bởi chúng có quan hệ “máu mủ”, cùng do kiến chúa sinh ra. Theo bà Saltz, hành vi giãn cách xã hội của động vật là sự tiến hóa để bảo vệ chính bản thân chúng cùng họ hàng và những con non.
Ngay cả những con kiến khỏe mạnh cũng thay đổi hành vi và giảm tiếp xúc với đồng loại khi có dịch bệnh, đặc biệt là đối tượng dễ tổn thương như kiến chăm sóc ấu trùng và kiến chúa. Những con kiến “bảo mẫu” cũng nhanh chóng đưa ấu trùng vào khu vực sâu hơn trong tổ một khi chúng phát hiện có dịch bệnh.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết bà Nathalie Stroeymeyt tại Đại học Bristol (Anh) từng thực hiện thí nghiệm cho những con kiến mắc bệnh nấm vào đàn kiến khỏe mạnh. Bà Stroeymeyt nhận thấy những con kiến khỏe mạnh thậm chí còn tránh xa cả những con kiến từng tiếp xúc gần với kiến bị bệnh.
Bệnh do vi khuẩn có thể tác động và gây tàn phá nặng nề tới dân số một đàn ong. Bà Alison McAfee tại Đại học North Carolina (Mỹ) cho biết ấu trùng ong nhiễm bệnh thường thải ra chất hóa học có mùi đặc trưng mà những con ong trưởng thành có thể ngửi được. Một khi phát hiện ra mùi lạ, những con ong sẽ đẩy ấu trùng nhiễm bệnh ra khỏi tổ.
Tờ National Geographic đưa tin rằng trong quá trình nghiên cứu loài tinh tinh tại Vườn Quốc gia Gombe Stream (Tanzania) năm 1966, nhà linh trưởng học Jane Goodall đã phát hiện một con tinh tinh có tên McGregor mắc bệnh bại liệt do virus. Những con khác liền tấn công McGregor và xa lánh nó. Một số nghiên cứu cho rằng khi nhìn thấy những con tinh tinh bị bại liệt, các con khác trong đàn sẽ cảm thấy lo sợ về sự biến dạng cơ thể dẫn đến hành vi xa lánh.
Loài tôm hùm gai Caribbean cũng tách những cá thể bị bệnh ra khỏi đàn. Panulirus argus là virus nguy hiểm gây chết chóc với tôm hùm gai Caribbean. Virus này lây nhiễm qua tiếp xúc gần giữa các con tôm hùm. Tôm hùm gai Caribbean có thể phát hiện đồng loại nhiễm Panulirus argus qua mùi chất hóa học chúng thải ra trong nước tiểu. Từ đó, chúng sẽ tránh xa khỏi những con nhiễm virus.
Nhưng không phải tất cả các loài động vật đều hình thành hành vi cực đoan với đồng loại. Loài dơi quỷ vẫn cung cấp, chia sẻ thức ăn cho con cùng đàn bị ốm nhưng có hạn chế tiếp xúc. Khỉ mặt chó cũng chăm sóc cho thành viên cùng huyết thống bị bệnh, chúng chỉ tránh những cá thể bị bệnh không phải thành viên gia đình. Ngoài ra, một nghiên cứu tiến hành năm 2017 với khỉ mặt chó ở Gabon cho kết quả chúng thường thay đổi hành vi bắt chấy rận khi nhận thấy một con trong đàn nhiễm bệnh.
Năm 2016, các nhà nghiên cứu đã làm thí nghiệm về hành vi đối với chuột sống trong một nhà kho ở Thụy Sĩ. Họ tiêm độc tố lipopolysaccharide vào chuột. Các nhà khoa học đã rất bất ngờ khi phát hiện mặc dù có khả năng nhận ra đồng loại bị bệnh nhưng những con chuột khỏe mạnh không hề trốn tránh và vẫn tiếp xúc như bình thường. Bà Patricia Lopes tại Đại học Zurich, người dẫn đầu nghiên cứu, nhấn mạnh: “Chính những con chuột bị bệnh sẽ tự rời đàn”. Có lẽ chúng cảm thấy bị thờ ơ và không còn có thể tiếp xúc được như bình thường.
Trong tất cả các giống loài, việc giảm tiếp xúc xã hội có thể kéo theo hậu quả. Việc con người áp dụng biện pháp cách ly phong tỏa giúp giảm lây lan COVID-19 nhưng tình trạng cô đơn có thể dẫn đến những căn bệnh khác.
Khỉ đột sống một mình có thể khó lây nhiễm Ebola nhưng đối mặt với khả năng cao bị ăn thịt hoặc có hành vi giết con non. Loài thú có túi ăn thịt mang tên quỷ Tasmania khi sống một mình sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm ung thư lây truyền qua vết cắn từ đồng loại nhưng chúng sẽ bỏ lỡ cơ hội giao phối.
Giáo sư Hawley kết luận: “Đối với động vật, chúng có thể thực hiện hành vi giãn cách xã hội trong một thời gian ngắn và đợi đến khi dịch bệnh biến mất. Nhưng đối với con người, giãn cách xã hội có thể hiện diện trong thời gian dài bởi chúng ta đã kết nối khắp hành tinh”. Nhưng lợi thế lớn nhất của con người là khả năng phát triển những công cụ phức tạp để phòng dịch như vaccine.