Cho phép săn voi đực làm chiến lợi phẩm là thảm họa đối với loài voi

Ý niệm cho rằng các cá thể đực già không mấy tác dụng với sự sinh tồn của loài thường được đưa ra để biện minh cho việc ủng hộ săn bắn lấy chiến lợi phẩm. Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Scientific Reports chứng minh việc giết chết những cá thể đực già sẽ gây ra tác động thảm họa đối với loài voi.

Một trong những con voi đã chết ở đồng bằng Okavango ở Botswana.

Các cá thể voi đực trưởng thành có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của loài qua việc truyền lại kỹ năng và kiến thức cho các cá thể trẻ hơn. Nếu những cá thể đực mất đi do nạn săn bắn hoặc bị săn trộm thì sẽ gây ra tác động mang tính thảm họa.

“Lâu nay chúng ta vẫn biết rằng voi cái trưởng thành lãnh đạo đàn sinh sản hiệu quả hơn. Chúng tôi chứng minh vai trò tương tự của cá thể đực trưởng thành trong xã hội các cá thể đực”, theo chuyên gia Connie Allen thuộc Đại học Exeter và tổ chức từ thiện Elephants for Africa.

Nhóm nghiên cứu tìm hiểu sâu hành vi của 1.250 cá thể voi đồng cỏ châu Phi đực di chuyển ở vùng sông Boteti thuộc VQG Makgadikgadi Pans, Botswana.

Bẫy ảnh ghi nhận được số lượng cá thể đực đơn lẻ chiếm khoảng 1/5 tổng số trên tuyến đường voi di chuyển, lượng cá thể trẻ di chuyển qua ít hơn dự kiến – điều này chứng tỏ di chuyển một mình là rủi ro hơn đối với những cá thể đực trẻ và thiếu kinh nghiệm. Do đó, các cá thể trưởng thành thường đi trước đàn, chúng khẳng định vai trò đầu đàn của mình do có được kiến thức sinh thái giá trị.

Việc giết hại chúng, với bất cứ mục đích gì, dù là hợp pháp đều trực tiếp xóa bỏ các nhân vật chủ chốt trong xã hội voi đực.

“Những cá thể già nhất, có nhiều thập kỷ kinh ngiệm về tận dụng môi trường và phát hiện các nguồn tài nguyên trọng yếu thường lãnh đạo mọi đàn voi đực”, Connie Allen cho hay.

“Những cá thể đực trẻ, mới tách đàn tìm đến những cá thể trên để học kiến thức xã hội và sinh thái. Loại bỏ những cá thể chủ chốt và ít ỏi như thế gây ra tác động thảm họa với quần thể đực rộng hơn, tạo ra sự gián đoạn dòng thông tin liên thế hệ quan trọng với loài voi”.

Voi đực thường được coi là những động vật đơn độc sau khi độc lập và rời nhóm gia đình. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng rằng chúng cũng như voi cái, đều theo đuổi đời sống giàu tính xã hội. Điều này gây khó khăn cho việc nghiên cứu vì voi đực thường di chuyển rất xa và khó theo dấu.

GS. Darren Croft thuộc Đại học Exeter cho rằng nghiên cứu mới nêu bật lên được vai trò của voi đực già là kho chứa kiến thức sinh thái như khi nào và ở đâu thì tìm được thức ăn, nước uống – những thứ sống còn với các cá thể đực trẻ liên đới với chúng.

“Những phát hiện này cho thấy việc loại bỏ các cá thể voi đực già khỏi quần thể bằng trò săn bắn lấy chiến lợi phẩm là đáng lo ngại”.

Cái chết đột ngột của hơn 275 cá thể voi ở miền bắc Botswana được truyền thông đưa tin rầm rộ đầu năm nay. Thí nghiệm không làm sáng tỏ vấn đề voi chết hàng loạt và người ta đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân, kể cả độc tố tự nhiên.

Hơn 20 cá thể voi ở nước láng giềng Zimbabwe cũng chết vì nghi nhiễm vi khuẩn hoặc do phải đi quá xa tìm kiếm thức ăn, nước uống.

Trong cả 2 vụ việc, nguyên nhân săn trộm đều bị loại trừ.

Nhật Anh (Theo BBC)

Nguồn: