Cơ hội cuối cùng để giữ rừng Kon Plong

Kết quả cuộc khảo sát sâu rộng được Tổ chức FFI và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) công bố gần đây cho thấy nhiều loài quý hiếm hiện diện ở những khu rừng chưa được bảo vệ tại Tây Nguyên.

Sau nhiều tháng quan sát thực địa và đặt 130 bẫy ảnh ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, FFI và GreenViet ghi nhận được hơn 120 loài động vật có vú và chim, trong đó có loài đặc hữu của Việt Nam như voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) và các loài cực kỳ nguy cấp như vượn má vàng (Nomascus gabriellae), cầy vằn (Chrotogale owstoni), culi nhỏ (Nycticebus pygmaeus), gấu ngựa (Ursus thibetanus), rái cá và mèo rừng.

Theo một trích yếu đa dạng sinh học khác, Kon Plong là nơi sinh sống của quần thể chà vá chân xám lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, quần thể cầy vằn ở đây cũng rất quan trọng do loài này đang suy giảm vì vấn nạn đặt bẫy và săn bắn ở các VQG, khu bảo tồn khắp Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là 84.000 ha rừng Kon Plong vẫn chưa được bảo vệ về đa dạng sinh học.

Chà vá chân xám ở Kon Plong. (Ảnh: FFI)

TS. Hà Thăng Long, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập GreenViet cho biết ông làm việc tại Kon Plong từ năm 2001 và đã chứng kiến sự thay đổi của khu vực này trong suốt 10 năm nay. “Tôi từng mất cả ngày để tới được ngôi làng tôi ở trong Kon Plong nhưng giờ thì chỉ mất 4 giờ di chuyển. Đường sá được xây dựng khắp nơi, các thủy điện cũng mọc lên. Rất nhiều người từ các nơi cũng tới đây lập nghiệp”.

“Kon Plong chuyển từ chỗ rừng nguyên vẹn sang bị phân mảnh nhiều hơn, thay đổi là khá đáng kể”, Giám đốc quốc gia FFI Việt Nam Josh Kempinski chia sẻ. “Tiềm năng phát triển bền vững ở đây rất lớn. Bạn có thể làm rất nhiều thứ ở những khu vực rừng đã suy thoái, trồng gì cũng được vì khí hậu phù hợp với hoa trái”.

Cả Kempinski và TS. Hà Thăng Long đều khẳng định rằng cần bảo vệ ngay lập tức diện tích rừng còn lại.

“Tôi không muốn quá lời nhưng đây có lẽ là diện tích rừng lớn nhất và quan trọng nhất chưa được coi là rừng đặc dụng. Không giống như khu vực núi đá vôi ở miền Bắc, Kon Plong bị đe dọa hơn cả và rất dễ dàng bị phát quang”, Kempinski lo lắng.

“Nếu không cố gắng bảo vệ động vật hoang dã và rừng ở đây, các loài hoang dã sẽ nhanh chóng biến mất”, TS. Hà Thăng Long cho hay.

Kempinski trích dẫn khu vực quanh thành phố Kon Tum làm ví dụ những gì có thể xảy ra với Kon Plong. Vùng này thoạt nhìn rất nhiều rừng nhưng thực ra phần lớn là cây keo, cao su và cà phê trồng trên đất đã phát quang.

“Thực sự không có gì đảm bảo Kon Plong sẽ đi không đi vào vết xe đổ đó trừ phi có những quyết định chiến lược về bảo vệ đa dạng sinh học, du lịch sinh thái và các dịch vụ hệ sinh thái. Đó là thông điệp chúng tôi muốn gửi đến chính phủ”.

Cả 2 nhà bảo tồn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa bảo tồn loài hoang dã và cải thiện sinh kế. Phần lớn dân số Kon Plong là người dân tộc thiểu số sống trong những buôn làng còn nghèo khó.

Kempinski phân tích: “Tình hình khá đau lòng. Người dân rất nghèo và họ phá rừng để trồng những hoa màu có giá trị rất thấp như cây sắn, thậm chí trồng rất manh mún vì không được hỗ trợ. Họ phá rừng trồng hoa màu để sống, vì thế chúng ta cần có cái nhìn toàn diện”.

Ưu tiên lớn nhất của FFI và GreenViet là thuyết phục chính quyền tỉnh và huyện thành lập một khu bảo tôn thiên nhiên ở Kon Plong.

“Một số khu vực rất khó tiếp cận và vẫn trong tình trạng tốt”, TS. Hà Thăng Long chia sẻ. “Những khu vực đó nên trở thành khu bảo tồn hoặc VQG để có thêm nỗ lực bảo tồn bảo vệ. Chúng tôi đang phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp và chính quyền tỉnh để đạt được mục tiêu đó”.

Tại hội thảo do FFI và GreenViet tổ chức, Kempinski đã chia sẻ những phát hiện và nhấn mạnh vào sự hiếm có của rừng Kon Plong: “Đã có sự đồng thuận gần như tuyệt đối về sự cần thiết phải bảo vệ khu vực này. Những gì còn lại của rừng Kon Plong nên được bảo vệ nhưng để làm được điều đó cần có sự đầu tư, cần quan tâm nhiều hơn và có kế hoạch phát triển tốt hơn. Vì vậy, còn rất nhiều việc phải làm”.

Cũng theo Kempinski, những hình ảnh về các loài động vật hoang dã quý hiếm đã thuyết phục giới chức địa phương: “Một cán bộ phát biểu tại hội thảo rằng “Chúng tôi không biết rằng Kon Plong quan trọng đến thế, có cả linh trưởng đặc hữu, gấu và nhiều loài nữa. Chúng tôi phải cân nhắc lại cách bảo vệ rừng””.

Khi được hỏi liệu việc công bố kết quả khảo sát có gây nguy hiểm cho động vật hoang dã ở Kon Plong, Kempinski thừa nhận cánh thợ săn đã gây ra những thiệt hại lớn cho các quần thể động vật.

“Chúng tôi chưa thấy ở đâu tại Việt Nam có nhiều bẫy thú đến thế. Bất cứ thứ gì giới thợ săn và săn trộm có thì đều có ở đây. Chúng tôi gỡ được những tấm lưới rất dài, đến hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm mét, như kiểu câu dầm”.

Các NGO cũng nhận thức được rằng nếu không có giá trị đa dạng sinh học cao, thật khó để thuyết phục chính quyền tỉnh Kon Tum hành động. “Bạn không thể nói khơi khơi rằng “khu vực này thực sự quan trọng nhưng chúng tôi không thể cho biết””, Kempinski nói.

Hiện chưa rõ các bên liên quan sẽ phối hợp triển khai các hoạt động ra sao nhưng TS. Hà Thăng Long cảnh báo cần hành động thật nhanh: “Với tôi, đây là cơ hội cuối cùng, khu rừng cuối cùng chưa được bảo vệ của Việt Nam vẫn còn động vật hoang dã. Các dự án phát triển lớn quanh Kon Tum mới chỉ bắt đầu, nếu ngay bây giờ chúng ta có chính sách tốt thì sẽ xác lập được lộ trình đúng đắn cho 20 hoặc 50 năm nữa. Bằng không, cơ hội cho các loài động vật quý hiếm ở đây sẽ vụt mất”.

Thế Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: