Vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được đưa ra xét xử. Bị cáo khai nhận đưa tiền cho Đồn trưởng Đồn Biên phòng để được bỏ qua…
Vụ phá rừng gỗ quý nghiêm trọng xảy ra tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên toà, ngoài khai nhận hành vi phạm tội, một số bị cáo chủ mưu đã khai nhận hàng tháng đều phải đưa tiền cho ông Nguyễn Hữu Trung (nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình), để được bỏ qua hành vi khai thác gỗ trái phép.
Hàng trăm mét khối gỗ quý bị chặt hạ
Theo cáo trạng, đầu năm 2018, Mai Văn Dinh (sinh năm 1970, trú bản Cóc, xã Thượng Trạch-Bố Trạch-Quảng Bình), đến gặp Lê Văn Trung (sn1981, ở thôn Hà Lời, thị trấn Phong Nha-Bố Trạch), để cùng bàn bạc việc khai thác gỗ mun trái phép tại khu vực Khe Sã (thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng). Hai bên thống nhất, Trung sẽ huy động lực lượng khai thác gỗ. Gỗ được khai thác trái phép, Dinh sẽ mua và trả từ 25 – 28 triệu đồng/m3.
Đến tháng 7/2018, Trung cùng Mai Kiên Cường, Trần Văn Hoan, Trần Đức Dũng, Trần Phúc An, Trần Xuân Vương, Trần Đức Bắc, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Xuân Hồng, Thái Văn Lợi, Hoàng Văn Thiết vào tiểu khu (TK) 650 chặt hạ 8 cây gỗ mun (có khối lượng gần 8,7m3 gỗ) và 4 cây gỗ các loại (1,8m3) và đưa về tập kết tại đường biên giới Việt – Lào.
Vào tháng 10/2018, Trung lại tiếp tục dẫn nhóm lâm tặc này vào TK 650, cưa hạ 5 cây gỗ mun sọc (hơn 6,5m3) và 11 cây gỗ các loại khác (hơn 11,2m3). Trong quá trình khai thác gỗ, Trung gặp tai nạn bị thương tích khá nặng nên cả nhóm ngưng việc khai thác gõ để đưa Trung về nhà chữa trị. Một tháng sau, Trung chưa thể đi lại được nên nhóm lâm tặc cùng nhau vào rừng ở khu vực TK 650. Tại đây, cả nhóm cưa hạ thêm 13 cây gỗ mun sọc (khối lượng gần 15m3) và 4 cây gỗ các loại (14,5m3).
Qua đầu năm 2019, Trung đã lành vết thương, sức khỏe ổn định nên dẫn đầu nhóm lâm tặc vào TK 649 để khai thác gỗ quý. Tại đây, cả nhóm cưa hạ 19 cây mun sọc (gần 30m3) cùng 8 cây gỗ khác (hơn 13,3m3).
Như vậy, trong thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 1/2019, nhóm lâm tặc do Lê Văn Trung cầm đầu đã nhiều lần vào rừng vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để khai thác trái phép các loại gỗ quý như mun, lim gõ, táu… Tổng cộng, nhóm lâm tặc đã cưa hạ, khai thác 72 cây gỗ các loại với tổng khối lượng hơn 101m3. Trong đó, gỗ mun sọc có 45 cây (khối lượng hơn 60,2m3)…
Sau mỗi lần khai thác, nhóm lâm tặc chở gỗ ra bàn giao cho Mai Văn Dinh và Trần Văn Viên. Hai đối tượng này đưa gỗ đi cất giấu tại cột mốc 537. Để thanh toán, Mai Văn Dinh đưa cho Trần Văn Viên số tiền 550 triệu đồng để Viên trả tiền mua gỗ cho Trung. Sau khi trừ đi chi phí, Trung chia cho các đối tượng tham gia vào việc phá rừng tùy theo số lần tham gia.
Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Bình đã xét xử các bị cáo về tội “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Tuyên phạt Mai Văn Dinh, Lê Văn Trung và Mai Kiên Cường (cùng mức án 48 tháng tù). Các bị cáo Trần Văn Viên, Trần Văn Hoan và Nguyễn Văn Hùng (từ 39-42 tháng tù). Các bị cáo Trần Đức Dũng, Trần Xuân Vương, Mai Văn Bình, Trần Phúc, Hoàng Văn Hải, Mai Văn Đông, Hoàng Văn Hương và Nguyễn Văn Hương (từ 21 đến 36 tháng tù). Bị cáo Nguyễn Xuân Hồng, Thái Văn Lợi và Nguyễn Trọng Tài (từ 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo).
Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này, Hội đồng xét xử còn xem xét hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Thượng Trạch thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng). Theo đó, Nguyễn Hoài Nam với nhiệm vụ bảo vệ rừng theo sự phân công đã không xây dựng kế hoạch và không tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra tại các TK 649, 650 để nơi xảy ra sự việc khai thác gỗ trái phép.
Cụ thể vào ngày 17/1/2019, ông Cao Văn Minh (cán bộ Trạm kiểm lâm Thượng Trạch), phát hiện dấu hiệu rừng bị chặt hạ đã báo cáo cho Nam biết tình hình. Tuy nhiên, Trạm trưởng Nam không trình báo lên cấp trên để có biện pháp xử lý. Sự tắc trách của Nam đã tạo cơ hội giúp lâm tặc khai thác gỗ quý, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền trên hơn 2,5 tỉ đồng. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoài Nam 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo với tội danh nói trên.
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho VQG PN-KB với số tiền trên 2,5 tỉ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Đức Bắc bị khuyết tật bẩm sinh, câm điếc nặng, hạn chế khả năng điều khiển hành vi, không am hiểu pháp luật, không nhận thức hậu quả do bản thân gây ra. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định không xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo này.
Cần làm rõ hành vi nhận “tiền thuế” để thông đường?
Trong lời khai trước cơ quan cảnh sát điều tra và phần xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Mai Văn Dinh đã khai nhận hàng tháng phải đưa tiền cho ông Nguyễn Hữu Trung (nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng), để được bỏ qua cho việc khai thác, vận chuyển, cất giấu gỗ ở khu vực biên giới, gần nơi đóng quân của Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Theo bị cáo Dinh, mỗi lần đưa tiền với số lượng là 10 triệu đồng và tổng cộng đã đưa 110 triệu đồng.
Theo quy định, ông Nguyễn Hữu Trung là quân nhân trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình nên việc xác minh, điều tra thuộc thẩm quyền Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cơ quan cảnh sát điều đã chuyển toàn bộ tài liệu liên quan cho Phòng điều tra Hình sự-Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, sau khi vụ việc phá rừng nghiêm trọng tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được cơ quan chức năng phát hiện, ông Nguyễn Hữu Trung bị tạm đình chỉ công tác chức vụ Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Sau đó, ông Trung bị kỷ luật và chuyển từ Đồn trưởng xuống làm tham mưu phòng trinh sát, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình.