Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell, chuyên trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định việc Trung Quốc thao túng dòng chảy sông Mê Kông là thách thức cấp bách ở khu vực.
“Một trong những thách thức đặc biệt cấp bách là sự thao túng (của Trung Quốc) đối với dòng chảy trên sông Mê Kông để phục vụ lợi ích của riêng họ gây thiệt hại lớn cho những nước hạ nguồn”, ông David Stilwell ngày 3/9 nhấn mạnh trong hội thảo trực tuyến của Viện Hòa bình Mỹ và Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Singapore.
Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại báo cáo gần đây ghi nhận Trung Quốc “đã thao túng dòng chảy trên sông Mê Kông trong 25 năm qua”. Ông Stilwell lưu ý “sự xáo trộn to lớn của dòng chảy tự nhiên xảy ra cùng lúc với việc xây dựng và vận hành đập thủy điện quy mô lớn”.
Theo South China Morning Post, dự án “Eyes on Earth” của Mỹ vào tháng 4 kết luận các đập thủy điện Trung Quốc giữ lại gần 47 tỷ m3 nước. Báo cáo được yêu cầu thực hiện bởi chương trình Đối tác Cơ sở hạ tầng Bền vững (được Liên Hợp Quốc ủng hộ) và Sáng kiến Hạ nguồn Mê Kông (gồm Mỹ cùng 5 nước hạ nguồn sông Mê Kông là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam).
Mực nước sông Mê Kông đang ở mức thấp kỷ lục năm thứ hai liên tiếp. Trước nhiều quan ngại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tháng 8 đã cam kết chia sẻ dữ liệu thủy văn sông Mê Kông (phần chảy trên lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Lan Thương) cho các nước hạ nguồn.
Ông Stilwell nhận định vấn đề dòng chảy là một trong những “xu hướng đáng lo ngại” ở khu vực Mê Kông. Nhà ngoại giao Mỹ cảnh báo cuộc khủng hoảng đang tàn phá mùa màng, đe dọa an ninh lương thực và nguồn nước trên khắp khu vực.
“Mỹ đang hợp tác với các quốc gia khu vực Mê Kông, Ủy hội sông Mê Kông và đối tác quốc tế nhằm đảm bảo Trung Quốc đáp lại những lời kêu gọi minh bạch hóa dữ liệu nguồn nước”, ông nhấn mạnh tại hội thảo ngày 3/9.
Bên cạnh đó, quan chức ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng ASEAN tiếp tục sử dụng “tiếng nói tập thể mạnh mẽ” để củng cố lợi ích của nhóm. Ông Stiwell đồng thời bác bỏ cách nhìn nhận rằng những thành viên ASEAN cần chọn phe trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung.
“Sự lựa chọn ở đây là chủ quyền. Sự lựa chọn ở đây là các nước cần làm gì, trong khuôn khổ đa phương (của ASEAN), mang lại lợi ích tốt nhất cho chính mình, cho nhân dân và những lợi ích quốc tế… Sự lựa chọn ở đây là ủng hộ và duy trì những luật lệ và quy chuẩn, hay đi theo cách tiếp cận khác – vốn rất rõ là chân lý thuộc về kẻ mạnh”, ông nói.