Ngày 2/9, các nhà khoa học công bố lớp băng ở Biển Bering trong mùa đông năm 2018 và 2019 đạt mức thấp chưa từng thấy trong hàng nghìn năm, làm tăng thêm lo ngại về tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu ở Bắc Cực. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Science Advances.
Dữ liệu vệ tinh cho thấy một bức tranh rõ ràng về việc băng biển đã thay đổi như thế nào trong 4 thập kỷ qua ở khu vực từ Bắc Cực đến Bắc Thái Bình Dương. Ngoài ra, những kỷ lục băng duy nhất hiện có là những ghi nhận trong nhật ký tàu và các quan sát khác. Vì vậy, các nhà khoa học đã chuyển sang vùng đất than bùn, nơi chứa các hợp chất hữu cơ từ thực vật có niên đại hàng thiên niên kỷ, trên hòn đảo St. Matthew xa xôi ngoài khơi Alaska.
Theo nghiên cứu, bằng cách kiểm tra các dạng phân tử oxy khác nhau bị mắc kẹt trong lớp trầm tích, các nhà khoa học có thể cho rằng tình trạng khí quyển và đại dương có thể ảnh hưởng đến lượng mưa và băng biển trong khoảng 5.500 năm.
“Bản thân hòn đảo này đã hoạt động như một trạm thời tiết của riêng nó. Các lớp trầm tích trong lõi than bùn đóng vai trò như một “cuốn sách quay ngược thời gian”, tác giả của nghiên cứu, Matthew Wooller thuộc tại Đại học Alaska Fairbanks cho biết.
Với sự ấm lên nhanh chóng của Bắc Cực trong những thập kỷ gần đây, phạm vi băng biển trên vùng cực bắc đã dần suy yếu. Năm nay, băng biển Bắc Cực vào mùa hè đạt mức thấp nhất vào tháng 7 trong 40 năm giữ kỷ lục.
Băng biển lại tăng thêm hàng năm vào mùa đông. Tuy vậy, nghiên cứu mới cho thấy ở Biển Bering, lượng băng tối đa trong mùa lạnh cũng có thể bị suy giảm.
Việc mất đi lớp băng biển đang tác động đến động vật hoang dã ở Bắc Cực, bao gồm hải mã, gấu Bắc Cực và hải cẩu, gây hậu quả cho các cộng đồng bản địa sống dựa vào săn bắn để kiếm sống.
Băng biển tan biến cũng làm trầm trọng thêm tình trạng ấm lên trong khu vực, vì băng được thay thế bằng những mảng nước sẫm màu hấp thụ bức xạ mặt trời thay vì phản xạ nó ra khỏi bầu khí quyển.
Julienne Stroeve, nhà khí hậu học thuộc Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia tại Đại học Boulder Colorado, không tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Rõ ràng, nếu chúng ta mất đi băng biển thì sẽ thay đổi hoàn toàn nhiệt độ của Bắc Cực. Nếu mất tất cả băng biển, khu vực sẽ nóng hơn nhanh hơn”.
Tuy nhiên, nhiệt độ không khí không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến băng biển. Tác giả chính Miriam Jones, nhà địa chất tại Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết những thay đổi trong hoàn lưu đại dương và khí quyển liên quan đến biến đổi khí hậu có tác động lớn hơn. “Ngoài nhiệt độ ấm lên, có nhiều điều đang diễn ra hơn. Chúng ta đang thấy sự thay đổi trong các mô hình hoàn lưu cả trong đại dương và khí quyển”, Jones nhấn mạnh.