Các nước phải hành động mạnh hơn nữa nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) bởi những nỗ lực như hiện nay là chưa đủ. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận định như vậy trong cuộc họp báo mùa Hè truyền thống tại Berlin ngày 28-8.
Theo Reuters, bà Angela Merkel nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu (EU) cần điều chỉnh các mục tiêu về chống BĐKH đã đặt ra cho năm 2030 và cần phải thiết lập một cơ chế định giá phát thải khí CO2 cho các ngành công nghiệp và vận tải.
Dự kiến, trong tháng 9 tới đây, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất mục tiêu mới về chống BĐKH đến năm 2030. Theo đó, các nước thành viên EU sẽ phải giảm 50-55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990, tăng đáng kể so với mục tiêu 40% hiện tại. Tháng 3 vừa qua, EC đã thông qua Luật Khí hậu nhằm tạo tính ràng buộc pháp lý cho mục tiêu đầy tham vọng là loại bỏ toàn bộ khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải vào bầu khí quyển vào năm 2050, đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải. Luật này sẽ cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên phê chuẩn mới có hiệu lực.
Nhà lãnh đạo Đức-nước đang giữ chức Chủ tịch EU, khẳng định chính quyền Berlin chủ trương thúc đẩy đàm phán giữa các nước để đạt thỏa thuận ngay trong năm nay. Tuy nhiên, một số nước Đông Âu bày tỏ lo ngại về những thiệt hại kinh tế trong quá trình thực hiện các mục tiêu này. Hiện Đức là nước phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất trong EU.
Tuần trước, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Đức cảnh báo, nước này có thể sẽ không đạt được mục tiêu về chống BĐKH cho năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19.
Phát biểu của Thủ tướng Đức được đưa ra trong bối cảnh tình trạng khí hậu trên thế giới đang tiến đến giai đoạn khẩn cấp. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dẫn một báo cáo mới đây của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, nồng độ khí thải CO2 trong bầu khí quyển đã trở lại mức kỷ lục trong tháng 5-2020, bất chấp việc dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh tế ngưng trệ.
Mặc dù lượng khí thải được ghi nhận giảm tới gần 30% tại một số nước trong giai đoạn cao điểm áp dụng lệnh phong tỏa, nhưng báo cáo của NOAA cho thấy sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 không phải là “liều thuốc” cho vấn đề ô nhiễm khí thải toàn cầu.
WMO ước tính lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 6%, mức giảm mạnh nhất hằng năm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vì các biện pháp hạn chế đi lại hay tạm ngừng hoạt động kinh tế để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, những số liệu này lại bộc lộ rõ hơn hoạt động của con người tác động lớn như thế nào đến môi trường. Tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch… làm phát thải khí nhà kính là thủ phạm gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.
Năm 2019, một trong 20 năm nóng nhất lịch sử, là năm chứng kiến những bước thụt lùi trong cuộc chiến ngăn nhiệt độ toàn cầu nóng lên khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về BĐKH. Trong khi đó, Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về BĐKH (COP 25) lún sâu vào chia rẽ trong những nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Việc các nước chưa thể hoàn thành xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại COP 25 đồng nghĩa với việc mọi vấn đề còn dang dở sẽ được thảo luận và cần phải được giải quyết tại COP 26, dự kiến diễn ra tại Scotland vào đầu tháng 11 năm nay, để Hiệp định Paris về BĐKH có thể chính thức có hiệu lực từ năm 2021.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn” trong cuộc khủng hoảng này.
Trong một bài phân tích đăng trên Tạp chí khoa học Nature Communications, nhóm tác giả cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ “kiếm” được 336.000 và 422.000 tỷ USD vào năm 2100 nếu các nước hành động để giữ ngưỡng tăng nhiệt lần lượt ở mức 2oC và 1,5oC.
Ngược lại, nếu các nước không đạt được những mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về BĐKH, thế giới có thể sẽ mất tới 600.000 tỷ USD vào cuối thế kỷ.