Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng chất thải rắn sinh hoạt đã và đang gia tăng về cả số lượng, thành phần và tính chất, gây áp lực rất lớn đến môi trường.
Ước tính, hiện nay trên cả nước lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16% mỗi năm.
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014 – Bài 1: Tích hợp giấy phép môi trường
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014: Bài 2- Thu hẹp đối tượng, đánh giá tác động môi trường
Tạo sự thay đổi lớn
Với mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững; thông qua việc áp dụng các chính sách quản lý, công cụ kinh tế linh hoạt, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2014 sửa đổi sẽ tạo sự thay đổi lớn trong nhận thức, ứng xử của người dân, điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường.
Lần đầu tiên Dự thảo Luật đã đưa cộng đồng dân cư là chủ thể trong hoạt động bảo vệ môi trường. Nếu như Luật Bảo vệ môi trường hiện hành mới chỉ khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia hoạt động bảo vệ môi trường thì Dự thảo Luật đã xác lập rõ quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư, trong đó đã mở rộng nhiều quyền như: tham gia giám sát, tham vấn, đối thoại về các chính sách, luật pháp… về bảo vệ môi trường.
Qua nghiên cứu kỹ mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác hiện đang được Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển trên thế giới thực hiện rất thành công, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào Dự thảo Luật cơ chế thu phí rác thải. Cơ chế này quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc đổ đồng theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao.
Dự thảo Luật cũng mở rộng đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước từ việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường như sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cá nhân sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu tái tạo.
Bộ cũng đưa ra nhiều chế định nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường nơi công cộng. Trong số này có quy định quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, du lịch, kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, phà, bến cảng và khu vực công cộng trong việc phát hiện và phạt cá nhân vi phạm quy chế bảo vệ môi trường nơi công cộng đã được niêm yết.
Tại Dự thảo Luật lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉnh lý, hoàn thiện và bổ sung 1 điều quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thu hồi và tái chế sản phẩm hoặc bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo tỷ lệ tái chế và quy cách, tiêu chuẩn tái chế quy định.
Để tạo điều kiện cho nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm này, Dự thảo Luật bổ sung cơ chế đặt cọc, hoàn trả bao bì sản phẩm, quy định cho phép chủ thể này được bổ sung chi phí thu hồi vào giá sản phẩm để tái sử dụng hoặc tái chế bao bì đóng gói, người dân trả lại bao bì sản phẩm được nhận lại khoản tiền này. Việc này sẽ thúc đẩy người dân trả lại các bao bì sản phẩm sau sử dụng, tăng tỷ lệ bao bì, sản phẩm được tái chế và làm thay đổi hành vi trong tiêu dùng.
Nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện trách nhiệm tái chế thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường được ban hành khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua.
Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Điều 80 trong Dự thảo Luật đã quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý (người dân có thể bán). Tuy nhiên, đối với chất thải chưa phân loại hoặc những loại chất thải khác không có khả năng tái sử dụng, tái chế thì hộ gia đình, cá nhân phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, Việt Nam nên nhấn mạnh vai trò, trách nhiêm của các nhà sản xuất trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Dựa trên việc thực hiện các dự án tại Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, chuyên gia tư vấn độc lập của Nhật Bản Hideki Wanda cho biết, hơn một nửa chất thải sinh hoạt xuất phát từ các đơn vị kinh doanh, trong khi đó ở Tokyo con số này là hơn 2/3. Bởi vậy, để giảm thiểu lượng chất thải phát sinh cần cân nhắc đến cả 2 đối tượng là hộ gia đình và đơn vị kinh doanh. Tại Nhật Bản, các hành động “ăn hết đồ ăn của mình” đã trở thành phong trào tại các nhà hàng và điều này có thể thực hiện được ở Việt Nam.
Đảm đảm tính khả thi
Để đảm bảo tính khả thi của các cơ chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra các quy định trách nhiệm và xây dựng lộ trình áp dụng.
Dự thảo Luật quy định trách nhiệm phân loại của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây. Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh.
Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm thông qua hệ thống camera giám sát.
Tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn, vận động cộng đồng, gia đình, cá nhân phân loại và tập kết rác thải tại địa điểm quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của gia đình, cá nhân.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã điều chỉnh việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại thay vì 5 loại như trước đây gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác để bảo đảm khả thi hơn khi thực hiện.
Việc quy định về phân loại rác tại nguồn là hết sức cần thiết, cấp bách hiện nay và đang được nhiều địa phương tiến hành áp dụng với những quy mô, cách thức khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề phân loại rác thải tại nguồn chỉ thực sự hiệu quả khi gắn với hạ tầng thu gom, xử lý cũng phải bảo đảm đồng bộ tương ứng. Do đó, việc bổ sung thời hạn phải áp dụng quy định này chậm nhất là ngày 1/1/2025 và giao UBND cấp tỉnh quyết định việc áp dụng lộ trình để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế về nhận thức, hạ tầng kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở nước ta hiện nay.