Những điểm mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2014 sửa đổi dự kiến sẽ góp phần giảm chi phí của doanh nghiệp thông qua các quy định, thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải đánh giá tác động môi trường.
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014 – Bài 1: Tích hợp giấy phép môi trường
Chỉ là công cụ dự báo
Các chuyên gia cho rằng trên thế giới báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ được coi là công cụ dự báo tác động môi trường nên không thể chính xác hoàn toàn, phê duyệt xong là cứ thế triển khai. Sau khi doanh nghiệp quyết định đầu tư còn có rất nhiều thay đổi. Tuy nhiên, các quy định tại Việt Nam hiện nay đã gộp, ôm đồm quá nhiều, bao gồm cả vòng đời dự án, dẫn đến việc báo cáo đánh giá tác động môi trường còn nhiều bất cập, tính khả thi chưa cao.
Theo thông lệ quốc tế, chi phí để lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường thường chiếm từ 1-3% tổng kinh phí của một dự án. Còn ở Việt Nam tỷ lệ này quá thấp nên khó đáp ứng một loạt các yêu cầu khảo sát và đo đạc chỉ tiêu môi trường ở các dự án cụ thể.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường là công cụ dự báo được làm ở giai đoạn chuẩn bị nên thông tin về dự án mới sơ bộ, chưa có thiết kế xây dựng, thiết kế kỹ thuật chi tiết. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động môi trường lại có một số yêu cầu chi tiết, cụ thể về công nghệ sản xuất và các tác động đến môi trường, công trình hạ tầng xử lý chất thải trong suốt đời dự án. Vì vậy, tình trạng báo cáo đánh giá tác động môi trường thiếu số liệu và chất lượng kém khá phổ biến.
Theo ông Mai Thế Toản, Vụ Chính sách, pháp chế và thanh tra (Tổng cục Môi trường), hiện có quá nhiều loại hình dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường kèm theo yêu cầu về thủ tục bắt buộc thực hiện như nhau giữa các đối tượng có những tính chất tác động đến môi trường khác nhau.
Trong giai đoạn vận hành, các vấn đề môi trường của cơ sở hoàn toàn có thể thay đổi so với những nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu, nên việc coi quyết định phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu là căn cứ quan trọng nhất để cơ quan quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn vận hành cũng không hợp lý. Trong khi đó, những quy định tưởng như nghiêm khắc lại vẫn để “lọt lưới” tại nhiều dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường.
Từ năm 2014 đến nay, một số sự cố cho thấy sự bất cập trong thực hiện đánh giá tác động môi trường. Ví dụ, dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hậu Giang) tiềm ẩn nhiều nguy cơ “bức tử” sông Hậu, ảnh hưởng lớn đến môi trường nhưng vẫn được phê duyệt khi đánh giá tác động môi trường. Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân nhưng đánh giá tác động môi trường của dự án lại giống hệt dự án Công viên Vĩnh hằng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có quy mô dự án lớn nhưng sự đánh giá tác động môi trường lại được thực hiện rất sơ sài… Chính doanh nghiệp này đã gây sự cố làm cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung,
Ngược lại, có những trường hợp cùng một nội dung về chất lượng nước thải sau xử lý, nhưng giữa quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước lại có quy định khác nhau. Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho phép chất lượng nước thải sau xử lý đạt loại B, nhưng khi dự án hoạt động, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước thì cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu phải xử lý nước thải đạt loại A. Hoặc quá trình thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường không yêu cầu xây dựng hồ ứng phó sự cố, song đến khi cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước yêu cầu này lại nảy sinh…
Những thay đổi phù hợp
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giữa Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đang có quy định khác nhau về việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Luật Đầu tư dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về bảo vệ môi trường, trong khi Luật Đầu tư công quy định tất cả các dự án đầu tư công phải có phê duyệt chủ trương đầu tư và phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Thực tế, có nhiều dự án đầu tư công quy mô nhỏ, chỉ mua sắm tài sản, trang thiết bị, hoạt động báo chí mà cũng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, điều này không thực sự cần thiết. Rất nhiều dự án phải quyết định chủ trương đầu tư, có đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhưng không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường do không có tác động hoặc tác động đến môi trường rất ít theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành.
Đã qua quá trình 6 năm thực hiện việc đánh giá tác động môi trường sơ bộ, với những thay đổi về khoa học – kỹ thuật, sự xuất hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng không thuộc đối tượng sàng lọc trong quá trình xem xét. Kết quả cho thấy, đánh giá tác động môi trường sơ bộ cần được coi là công cụ quản lý môi trường để sàng lọc dự án đầu tư ngay trong quá trình xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng phân loại dự án theo các nhóm tiêu chí tác động đến môi trường; đổi tên “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thành “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” để phù hợp với nguyên lý thực hiện đánh giá tác động môi trường trên thế giới, đánh giá tác động môi trường sơ bộ là một bước trong quá trình nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của chủ dự án.
Để đảm bảo tính đồng bộ, Dự thảo Luật cũng bổ sung nguyên tắc thống nhất thực hiện quy định về đánh giá tác động môi trường sơ bộ thay cho quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong các luật khác đã được ban hành.
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị giao Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhằm phát huy vai trò, năng lực, nguồn lực của các bộ chuyên ngành, thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.
Một trong những nội dung lớn trong Luật này được sửa đổi là thay đổi vai trò của báo cáo đánh giá tác động môi trường, coi đây chỉ còn giá trị đến khi xây dựng, vận hành dự án. Thay vì quyết định phê duyệt, cơ quan chức năng đang cân nhắc việc ban hành văn bản chấp thuận đánh giá tác động môi trường. Dự kiến, các dự án đầu tư được chia làm 4 nhóm, trong đó mỗi nhóm quy định về đánh giá tác động môi trường khác nhau.
Dự án nhóm A có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất thì phải thực hiện quy trình đánh giá tác động môi trường đầy đủ gồm đánh giá tác động sơ bộ trước khi phê duyệt đầu tư, đánh giá chi tiết trong giai đoạn xây dựng dự án. Dự án nhóm B có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì sẽ đánh giá tác động môi trường ở giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án nhóm C ít gây ô nhiễm môi trường thì chỉ cần đánh giá môi trường sơ bộ. Dự án nhóm D không gây tác động môi trường thì không cần làm đánh giá tác động môi trường.
Một dự án đầu tư chỉ phải lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chủ dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước các thời điểm sau: Dự án khai thác khoáng sản phải trình trước khi thẩm định để cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản. Dự án thăm dò, khai thác dầu khí phải trình trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ. Dự án đầu tư xây dựng phải trình trước khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công. Trường hợp dự án có cùng một cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công thì các hồ sơ nêu trên được trình đồng thời để thẩm định theo quy định. Các dự án khác không thuộc đối tượng quy định trên thì trình trước khi quyết định đầu tư dự án.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhận định, nếu trả đánh giá tác động môi trường về đúng vị trí của nó và bổ sung các công cụ khác phù hợp với từng giai đoạn của dự án thì đây sẽ là đột phá trong quản lý môi trường ở Việt Nam. Việc áp dụng giấy phép môi trường khi đã có đầy đủ hồ sơ thiết kế chi tiết sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý hiệu quả hơn, thực tế hơn, tiệm cận dần cách quản lý tiên tiến của thế giới.