Bộ lạc nguyên thủy sinh sống ở khu vực rừng rậm Amazon sử dụng máy bay không người lái để xác định vị trí cháy rừng và các hoạt động trái phép của lâm tặc.
Awapy Uru Eu Wau Wau (28 tuổi) sinh ra và lớn lên trong bộ lạc Uru-Eu-Wau-Wau – một cộng đồng sống sâu bên trong rừng nhiệt đới Amazon. Cuộc sống của họ phụ thuộc hầu hết vào tài nguyên rừng. Các thế hệ đều sống bằng nghề trồng trọt, săn bắn, hái lượm, đánh cá và làm thuốc.
Bộ lạc này tiếp xúc với thế giới bên ngoài lần đầu tiên vào năm 1986. Nơi họ sinh sống thuộc khu rừng nhiệt đới trải dài 18.129 km2 về bang Rondonia, phía tây Brazil. Tuy nhiên, ngôi nhà của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng vì các thảm họa cháy rừng xảy ra gần đây.
Theo CNN, hầu hết nguyên nhân của những vụ hỏa hoạn không bắt nguồn từ lý do tự nhiên mà do hoạt động bất hợp pháp của con người như phát quang rừng để trồng trọt, chăn nuôi gia súc, khai thác gỗ trái phép. Những đám cháy lớn bùng phát vào năm ngoái đã khiến khu vực này bị tàn phá nặng nề. Năm nay, tỷ lệ cháy rừng vẫn tiếp tục tăng cao bất chấp lệnh cấm của chính phủ Brazil với các hoạt động ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên.
Awapy và những người đại diện khác từ 5 cộng đồng thổ dân quyết định tham gia khóa đào tạo sử dụng máy bay không người lái (drone) do Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) và Hiệp hội Bảo vệ Môi trường Kaninde Ethno tổ chức vào tháng 12 năm ngoái.
Felipe Spina Avino, người điều hành khóa đào tạo, cho biết: “Cả nhóm của Awapy bất ngờ khi có thể nhìn thấy cả khu rừng từ trên cao. Mọi người thực sự muốn tiếp thu công nghệ mới. Họ học hỏi một cách cởi mở và nhanh chóng luyện tập để làm quen”.
Ngoài theo dõi nạn phá rừng, máy bay không người lái còn cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao, video chất lượng tốt và dữ liệu từ thiết bị GPS. Tất cả có thể sử dụng làm bằng chứng khi báo cáo các hoạt động bất hợp pháp cho chính quyền. Dự án WWF-Kaninde đã tặng 19 drone cho 18 tổ chức tham gia bảo vệ rừng Amazon.
Trong hình, Awapy dẫn đầu một đội tuần tra gồm 12 người tiến sâu vào những khu vực nguy hiểm để theo dõi nạn chặt phá và các đám cháy rừng. Trong lần đầu tiên, họ đã tìm thấy một khu đất rộng 1,4 ha (tương đương với hai sân bóng đá của Mỹ) bị phá sạch cây cối. Nhiều ngày sau, họ quay được một chiếc trực thăng đang rải hạt giống cỏ dại – cho thấy khu đất này sẽ được sử dụng làm đồng cỏ cho gia súc.
WWF cho biết Tổ chức Thổ dân Quốc gia Brazil (FUNAI) – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý những chính sách liên quan đến các bộ lạc – có thể sử dụng tọa độ địa lý do những người Uru-Eu-Wau-Wau cung cấp để điều tra việc khai thác gỗ bất hợp pháp.
Jessica Webb, quản lý cấp cao của Global Forest Watch, cho hay số lượng cộng đồng thổ dân sử dụng máy bay không người lái ngày càng nhiều. Mỗi chiếc drone do dự án WWF-Kaninde trao tặng có giá khoảng 2.000 USD – gần bằng giá thuê trực thăng trong một giờ để thực hiện công việc tương tự.
Ngoài bảo vệ rừng, các cư dân bản địa còn sử dụng máy bay không người lái để xác định vị trí cây hạt Brazil – loài thực vật quan trọng nhất về mặt kinh tế của vùng Amazon. Đồng thời, họ cũng dùng nó để theo dõi đại bàng Harpy – loài chim thiêng liêng đối với người Uru-Eu-Wau-Rau. Theo Webb, việc kết hợp thiết bị tân tiến và kiến thức bản địa giúp hoạt động bảo vệ rừng trở nên hiệu quả hơn. Người dân sống ở vùng Amazon có hiểu biết sâu rộng về bảo vệ động vật, các loài có nguy cơ tuyệt chủng và lưu vực sông.
Awapy nhận nhiều lời dọa giết từ những kẻ chiếm đất và lâm tặc vì công việc bảo vệ rừng. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhiều người hoạt động trong nhóm tuần tra Amazon phải đối mặt với các mối đe dọa và sự tấn công từ những kẻ khai thác gỗ trái phép. “Nhiều người lạ theo dõi và gửi lời hăm dọa đến tôi. Nhưng tôi vẫn thích việc mình đang làm, bởi vì tôi được sinh ra và lớn lên ở đây. Đó là lý do tại sao tôi bảo vệ nó, rất nhiều người đã chết để giữ yên bình cho vùng đất này. Tôi muốn tiếp tục chiến đấu cho lợi ích của bộ lạc Uru-Eu-Wau-Wau”, Awapy bày tỏ.