COVID-19 tới 6 giờ sáng 1/9: Thế giới trên 853.850 người tử vong; Mỹ vượt mốc 6 triệu ca bệnh

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 221.378 trường hợp mắc COVID-19 và 3.655 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 25,6 triệu người.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ ngày 30/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 25.604.961 ca, trong đó có 853.858 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 17.913.937 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  61.137 ca và 6.837.166 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 31/8, thế giới có tới 142 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (68.770 ca), Brazil (45.961 ca) và Mỹ (35.277 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 818 ca), Brazil (485 ca), Mỹ (445 ca) và Mexico (339 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Trên bình diện khu vực, Bắc Mỹ là khu vực có số bệnh nhân nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới (hơn 7,3 triệu người và hơn 270.000 người tử vong); tiếp đến là châu Á (7,03 triệu bệnh nhân và 141.800 người tử vong); Nam Mỹ ghi nhận 6,2 triệu bệnh nhân và 201.000 trường hợp tử vong; châu Âu xác nhận 3,5 triệu bệnh nhân và hơn 207.000 người tử vong. Châu Phi ghi nhận 1,2 triệu bệnh nhân và 29.600 người tử vong và cuối cùng là châu Đại dương với 28.400 bệnh nhân và 681 trường hợp tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 9/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh với 6.208.513 ca nhiễm và 187.248 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil với 3.908.272 triệu ca nhiễm và 121.381 ca tử vong và Ấn Độ với 3.687.939 triệu ca nhiễm và 65.435 ca tử vong do COVID-19.

Tuy nhiên, trong vài ngày qua, đại dịch COVID-19 đã có dấu hiệu giảm bớt ở những bang bị ảnh hưởng nặng nề như California và Florida. Tại bang có số ca mắc cao nhất nước Mỹ là California đã ghi nhận số ca nhiễm mới hôm 30/8 dưới 4.000 ca, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.

Tương tự, số ca nhiễm mới hôm 30/8 ở bang Florida đã dưới 2.600 ca, mức thấp nhất trong 6 ngày trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với kỷ lục 15.000 ca nhiễm mới ghi nhận tại đây hôm 12/7 vừa qua.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, một số bang vẫn có số ca nhiễm mới tính theo ngày khá cao như Texas (2.800 ca), Illinois (2.000 ca), các bang Alabama, Georgia, Louisiana, Michigan, Missouri, Bắc Carolina và Nam Carolina đều ghi nhận hơn 1.000 ca mới mỗi ngày.

Người dân xếp hàng nhận nhu yếu phẩm cứu trợ trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành tại New York, Mỹ ngày 29/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, ở phía Bờ Đông nước Mỹ, Thống đốc bang New Jersey, ông Phil Murphy tuyên bố ngày 31/8 sẽ cho hàng quán được phép để thực khách ăn uống trong nhà kể từ ngày 4/9 với điều kiện chỉ được phép đón khách ở mức 25% sức chứa của nhà hàng. Còn tại thành phố New York, thị trưởng Bill de Blasio ngày 31/8 cho biết vẫn chưa thể ra quyết định tương tự.

Các trường đại học trên khắp nước Mỹ cũng đang nỗ lực để có thể mở lại các lớp học trực tiếp mà vẫn đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Hiện nhiều trường mở lại bằng cách kết hợp vừa học trực tiếp vừa học trực tuyến, nhưng cũng có những trường buộc phải học trực tuyến hoàn toàn.

Tại Canada, chính phủ thông báo đã đạt được thỏa thuận mua 76 triệu liều vaccine của hãng công nghệ sinh học Novavax (Mỹ) vào năm 2021, nếu vaccine NVX-CoV2373 chứng minh được hiệu quả trong việc ngừa COVID-19. Vaccine NVX-CoV2373 hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 2 để đánh giá mức độ an toàn và khả năng miễn dịch.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, đều là các ca nhập cảnh và không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 30/8.

Như vậy, tính đến hết ngày 31/8, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.048 ca mắc COVID-19, trong đó có 237 người vẫn đang được điều trị, 80.177 người đã khỏi bệnh và 4.634 ca tử vong.

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Hwasun, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 24/8/2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 31/8 đã ghi nhận thêm 248 ca mắc COVID-19, trong đó có 238 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 19.947 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 1 ca lên 324 ca.

Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở thủ đô Seoul duy trì mức ba con số nhiều ngày liên tiếp, chính quyền thành phố Seoul đã tuyên bố thực hiện “Tuần lễ 10 triệu dân tạm dừng hoạt động” bắt đầu từ ngày 30/8 đến hết ngày 6/9 tới.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại siêu thị ở Auckland, New Zealand, ngày 15/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại New Zealand, các trường học và cơ sở kinh doanh tại thành phố Aukland đã mở cửa trở lại ngày 31/8, sau khi lệnh phong tỏa thành phố được dỡ bỏ. Tuy nhiên, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong phạm vi thành phố.

Trong khi đó, bang Victoria của Australia ngày 31/8 thông báo ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục mặc dù số ca nhiễm mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 3/7.

Cụ thể, bang này có thêm 41 ca tử vong và 73 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Như vậy, Australia hiện có gần 26.000 ca mắc COVID-19 và 652 ca tử vong, ít hơn nhiều so với các nước phát triển khác.

Khách du lịch thăm Đấu trường La Mã tại Rome, Italy, ngày 22/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cam kết việc đảm bảo an toàn tại các trường học sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong bối cảnh hàng triệu học sinh nước này sẽ quay lại trường trong 2 tuần tới.

Trước đó, Viện An sinh Xã hội quốc gia Italy (INPS) hôm 27/8 cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020 nước này mất hơn 700.000 việc làm trong khu vực tư nhân so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Vaccine ngừa bệnh COVID-19 của Nga do Viện khoa học nghiên cứu về dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya phát triển, tại Moskva ngày 6/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo truyền thông Nga, ngày 31/8, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko tuyên bố việc tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên diện rộng đối với các nhóm có nguy cơ cao sẽ được triển khai vào tháng 11 và tháng 12 năm nay.

Hiện Nga sở hữu vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 do Trung tâm Gamaley phát triển và được đặt tên là Sputnik V. Vaccine này được đăng ký lưu hành ngày 11/8 sau các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng. Vaccine ngừa COVID-19 của Nga sử dụng hai chủng adenovirus làm vật trung gian truyền bệnh, chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người, song không thể nhân lên trong đó. Các cơ quan chức năng Nga cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm đối với 40.000 tình nguyện viên, sau khi vaccine này được cấp phép lưu hành.

Trước đó, ngày 27/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vaccine Sputnik V là an toàn và hiệu quả. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của thế giới này đã được cấp phép theo đúng các quy định nghiêm ngặt của Nga, cũng như phù hợp với thông lệ và các quy định quốc tế.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar,ngày 20/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 31/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.349 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 11.230 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có tới 4 quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Việt Nam và Malaysia. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay. Malaysia ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 sau nhiều tuần. Trong khi đó, số ca mắc mới ở Myanmar đang có xu thế tăng trong những ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 11.230 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 115 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 467.572 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 352.925 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan hay Singapore – đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Addis Ababa, Ethiopia, ngày 27/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 31/8, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu chương trình hỗ trợ chống COVID-19 trị giá 60 triệu euro (tương đương 71,57 triệu USD) cho các quốc gia thành viên của Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD).

Phát biểu tại lễ khởi động chương trình tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Trưởng phái đoàn EU tại Ethiopia, ông Johan Borgstam cho biết gói hỗ trợ sẽ giúp các nước IGAD giải quyết tác động của dịch COVID-19 đối với y tế và xã hội. Dự án sẽ cung cấp khoảng 3,5 triệu khẩu trang và găng tay phẫu thuật, 70.000 bộ dụng cụ xét nghiệm, 8 phòng thí nghiệm di động và 24 xe cứu thương.

Ông Borgstam khẳng định đại dịch COVID-19 là mối đe dọa tới y tế toàn cầu nên chỉ có thể được giải quyết thông qua các quan hệ đối tác quốc tế. Các quốc gia đang ở thời điểm mà sự lây lan của đại dịch đang gia tăng, tác động tiêu cực đến những cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người di cư, tị nạn và những người phải đi ly tán ở trong nước.

IGAD được thành lập năm 1986, gồm các quốc gia Đông Phi như Ethiopia, Eritrea, Djibouti, Kenya, Somalia, Sudan, Nam Sudan và Uganda, với mục đích chung là thúc đẩy an ninh và thương mại. Thư ký điều hành của IGAD, ông Workneh Gebeyehu đã đánh giá cao chương trình hỗ trợ chống COVID-19 của EU, đồng thời nhấn mạnh các quốc gia trong khu vực Đông Phi cần nỗ lực hơn nữa để có thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 31/8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này kêu gọi các nước duy trì các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với dịch COVID-19, đồng thời cho rằng việc mở cửa một cách thiếu kiểm soát trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ là “cách làm dẫn tới thảm họa”.

Ông Tedros thừa nhận rằng nhiều người đã mệt mỏi trước các biện pháp hạn chế và muốn quay trở lại trạng thái bình thường sau 8 tháng bùng phát dịch COVID-19. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người đứng đầu WHO khẳng định: “Chúng tôi muốn thấy trẻ em được trở lại trường học và người dân trở lại với nơi làm việc, song chúng tôi muốn thực hiện điều này một cách an toàn. Không một quốc gia nào nên giả bộ như đại dịch đã kết thúc. Thực tế là virus (SARS-CoV-2) lây lan vô cùng dễ dàng. Mở cửa mà thiếu kiểm soát là một cách làm dẫn tới thảm họa”.

Ngoài ra, WHO cũng cho rằng hoạt động cấp phép khẩn cấp đối với các loại vaccine phòng bệnh COVID-19 cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, với một sự nghiêm túc và cân nhắc thận trọng.

Cũng tại cuộc họp báo trên, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cho rằng mặc dù mỗi quốc gia đều có quyền cấp phép cho lưu hành các loại thuốc mà không cần trải qua các giai đoạn thử nghiệm đầy đủ, “song đó không phải là điều để bạn xem nhẹ”.