Trung Quốc đang trên đà vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới vào đầu năm 2030, phản ánh sự chần chừ trong việc nâng cao năng lực hạt nhân ở Nhật Bản cũng như các quốc gia phương Tây ngay cả khi các nền kinh tế mới nổi sắp vượt lên trên.
Trung Quốc tăng tốc trong khi Nhật, Mỹ, Châu Âu chần chừ
Tổng công suất phát điện hạt nhân của Trung Quốc, bao gồm cả các lò phản ứng đang được xây dựng và trong kế hoạch, đạt 108.700 MW vào tháng 4, nhiều hơn 105.120 MW của Mỹ, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.
Xu hướng này phản ánh các cách tiếp cận khác nhau đối với năng lượng hạt nhân sau sự cố Fukushima tháng 3 năm 2011 ở Nhật Bản. Trong khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn lo ngại về những rủi ro cũng như sự hoài nghi về tính an toàn của công chúng, các quốc gia mới nổi lại tỏ ra nhạy bén hơn.
Indonesia và Philippines là một trong những quốc gia loại bỏ các kế hoạch cũ về lò phản ứng. Còn Trung Quốc và Nga đã nổi lên như những nhà cung cấp chính.
Hideo Nakasugi, chuyên gia cấp cao của Diễn đàn Công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản, cho biết Trung Quốc đã đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động cách đây chỉ khoảng ba thập kỷ, nhưng “về trình độ công nghệ của nước này, nó đã bắt kịp với trình độ tiên tiến nhất trên thế giới“.
Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu về công suất hoạt động, với khoảng 98.000 MW. Pháp theo sau với 62.000 MW, Trung Quốc đứng thứ ba với 45.000 MW. Tuy nhiên, trong khi Hoa Kỳ đang ngừng vận hành các lò phản ứng với một số lò mới trong đường ống để thay thế, thì Trung Quốc có 11 lò phản ứng mới đang được xây dựng và hơn 40 lò đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước vào đầu tháng 8 đã bắt đầu truyền điện từ lò phản ứng số 5 tại nhà máy Tianwan ở tỉnh Giang Tô, lò phản ứng thứ 48 của nước này đi vào hoạt động.
Trung Quốc đưa 3 lò phản ứng mới vào hoạt động vào năm 2019 trong khi Hoa Kỳ đóng cửa vĩnh viễn 1 lò phản ứng tại Đảo Three Mile ở Pennsylvania vào tháng 9 năm ngoái.
Các lò phản ứng thường mất khoảng 5 năm từ khi động thổ đến khi hoàn thành, có nghĩa là Trung Quốc có thể dẫn đầu về năng lực hoạt động trong khoảng một thập kỷ.
Dấy lên lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân
Nhật Bản đã áp đặt các quy định cứng rắn đối với các nhà máy hạt nhân sau thảm họa Fukushima. Trong số hơn 50 lò phản ứng còn hoạt động được trước vụ tai nạn năm 2011, 24 lò đã được dự kiến ngừng hoạt động. Một vài kế hoạch cho việc nâng cao công suất mới vẫn còn, nhưng đã không được tiến hành.
Ngược lại, Trung Quốc đã khởi động khoảng 30 lò phản ứng mới kể từ sau thảm họa. Nga và Ấn Độ có các nhà máy hạt nhân đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất.
Ba quốc gia này đang phát triển công nghệ hạt nhân thế hệ tiếp theo và có rất nhiều nghiên cứu về lò phản ứng và các đơn vị nguyên mẫu đang được triển khai.
Bắc Kinh, song song với việc tăng cường nhanh chóng trong nước, đang tiếp thị thiết bị điện hạt nhân cho các nước đang phát triển vốn đối mặt với tình trạng thiếu điện. 4 lò phản ứng do Trung Quốc xây dựng đang hoạt động ở Pakistan, và khoảng 10 lò khác được lên kế hoạch ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác.
Nhật Bản đã cố gắng xuất khẩu thiết bị điện hạt nhân sang Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các yếu tố như chi phí xây dựng tăng cao đã khiến các dự án đó phải dừng lại. Các đối thủ châu Âu và Mỹ đã chơi tốt hơn một chút. Hơn 70% trong tổng số các lò phản ứng mới được đưa vào hoạt động trên toàn thế giới kể từ năm 2010 là do Trung Quốc hoặc Nga xây dựng.
Shinichiro Takiguchi, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho hay: “Điều này sẽ giúp họ (Trung Quốc và Nga) có nhiều ảnh hưởng hơn đối với các nước đang phát triển nói riêng.”
Việc Bắc Kinh và Moscow trở thành nhà cung cấp lò phản ứng cũng làm dấy lên lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Trung Quốc và Nga có các điều kiện lỏng lẻo hơn so với các nước như Nhật Bản và Mỹ khi yêu cầu người mua phải có các biện pháp bảo vệ để ngăn việc xuất khẩu điện hạt nhân bị chuyển hướng sang sử dụng làm vũ khí“, Hirofumi Tosaki, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản cho hay.
Trong một nỗ lực để giúp các đối thủ Mỹ bắt kịp, Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 7 đã thông qua Đạo luật Lãnh đạo Năng lượng Hạt nhân để thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực này và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế do chính phủ điều hành đã dỡ bỏ lệnh cấm tài trợ cho các dự án hạt nhân.