Việt Nam thường xuyên trao đổi với các nước Đông Nam Á thông tin về tàu cá vi phạm vùng biển của nhau, đặc biệt thông qua việc sử dụng các đường dây nóng phòng chống khai thác IUU giữa các nước.
Liên tiếp những tuần gần đây, lực lượng chấp pháp trên biển các nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia thực hiện nhiều vụ bắt giữ các tàu thuyền của ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của ba nước này.
Các vụ việc cho thấy nạn đánh bắt hải sản trái phép vẫn là vấn đề nhức nhối ở khu vực Đông Nam Á, một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước có ngư trường bị xâm phạm với các nước có tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trái phép bị thu giữ, một mặt mỗi nước siết chặt các quy định với các chế tài nghiêm khắc, một mặt các nước cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ pháp luật, sống và hành động theo pháp luật, đồng thời tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người dân vùng ven biển.
Thời gian qua, Malaysia và Indonesia đã liên tục cập nhật chính sách xử lý ngư dân nước ngoài vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc.
Malaysia tiếp tục có các biện pháp cứng rắn với hành vi xâm phạm lãnh hải đánh bắt cá trái phép. Ngoài việc tăng nặng các chế tài xử phạt như tăng tiền phạt đối với chủ tàu hay thuyền trưởng tàu bị bắt lên gấp 6 lần, cũng như tăng cường bắt giữ thay vì xua đuổi, các lực lượng bảo vệ pháp luật nước này được phép đánh chìm tàu cá nước ngoài, sử dụng đạn thật trong quá trình thực thi công vụ…
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Malaysia (MAFI), tính đến tháng 7/2020, nước này đã đánh chìm 13 tàu cá nước ngoài bị bắt giữ do xâm phạm và đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Malaysia.
Thứ trưởng MAFI Che Abdullah Mat Nawi nhấn mạnh việc đánh chìm các tàu cá này là lời cảnh cáo đối với ngư dân nước ngoài.
Tại bang Kelantan, Đông Bắc Malaysia, Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) của bang liên tục tổ chức tập huấn bắn đạn thật nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của tàu cá và ngư dân nước ngoài.
Việc tổ chức tập huấn bắn đạn thật là động thái cứng rắn giúp tăng cường năng lực của MMEA cũng như răn đe các tàu cá, ngư dân nước ngoài, khi gần đây xuất hiện hiện tượng chống trả các hoạt động truy bắt từ phía tàu chấp pháp của Malaysia.
Theo Giám đốc MMEA bang Kelantan, ông Muhd Nur Syam Asmawie Yaacob, các cuộc huấn luyện như vậy nhằm giúp nhân viên MMEA có khả năng sử dụng súng thành thục và hiệu quả khi tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật.
Người đứng đầu MMEA bang Kelantan cũng cho biết, quá trình huấn luyện này được thực hiện theo tiêu chuẩn của các lực lượng vũ trang khác của Malaysia như Hải quân Hoàng gia.
Ông Muhd Nur Syam khẳng định nhân viên MMEA bang Kelantan sẽ sử dụng súng khi ngăn chặn tàu thuyền của những đối tượng buôn lậu hoặc ngư dân nước ngoài trốn thoát hoặc trong tình huống đe dọa tính mạng.
Theo quan chức này, các đối tượng buôn lậu hoặc ngư dân nước ngoài có thể tàng trữ súng hoặc vũ khí để chống trả khi bị truy bắt và thường ném vũ khí xuống biển khi vụ việc kết thúc nhằm hủy tang chứng. Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh MMEA sẽ vẫn đưa ra cảnh báo trước nhằm ngăn chặn hoạt động của những đối tượng xâm nhập trước khi sử dụng súng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia còn có kế hoạch trang bị cho Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) nhiều trang thiết bị hiện đại như tàu tuần tra xa bờ (OPV), tàu tuần tra thế hệ mới (NGPC) hay tàu đa nhiệm (MPMS)… nhằm đảm bảo MMEA thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Chính phủ Indonesia cũng có những bước đi mạnh mẽ tương tự. Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai vào tháng 10/2019, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã có một số thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề an ninh biển theo hướng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; thể hiện thái độ cứng rắn, không nhượng bộ trước các hành động vi phạm chủ quyền của tàu cá nước ngoài; chuyển từ “đánh chìm” toàn bộ sang tịch thu và tái sử dụng các tàu cá bất hợp pháp nước ngoài bị bắt giữ.
Bộ Biển và Nghề cá của Indonesia đã chủ động hơn trong việc thông tin các vụ bắt giữ tàu cá bất hợp pháp nước ngoài.
Thái Lan đã sửa đổi hệ thống Luật Thủy sản với các khuyến nghị và cách tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào Hệ thống giám sát, kiểm tra, kiểm soát nghề cá (MCS).
Chính phủ Thái Lan cũng đã lập Trung tâm Chỉ huy chống đánh bắt cá trái phép dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Theo luật hiện hành, hành vi khai thác hải sản trái phép sẽ bị phạt tù tới ba năm hoặc phạt hành chính tới 200 triệu đồng.
Tại Việt Nam, ngay sau khi khi Ủy ban châu Âu (EC) ra quyết định áp “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam (23/10/2017), tháng 1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025, kèm theo nhiều văn bản liên quan.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương thời gian qua, việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mới, phù hợp với quy định quốc tế đến công tác kiểm soát, giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận thủy sản khai thác…
Đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU tương đối mạnh đã góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, nhất là thời gian từ cuối năm 2019 trở lại đây.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực hợp tác với các nước trong chống khai thác IUU. Việt Nam đã ký kết bốn điều ước quốc tế và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan nghề cá và hợp tác trên biển với các nước, trong đó có các nước khu vực như Malaysia, Myanmar, Indonesia…
Việt Nam thường xuyên trao đổi với các nước Đông Nam Á thông tin về tàu cá vi phạm vùng biển của nhau, đặc biệt thông qua việc sử dụng các đường dây nóng phòng chống khai thác IUU giữa Việt Nam với Philippines, Campuchia, Brunei…; xúc tiến triển khai việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định với Thái Lan…
Việt Nam cũng luôn thúc đẩy các nỗ lực đa phương nhằm chống nạn đánh bắt cá IUU tại khu vực Đông Nam Á. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu phát huy tầm ảnh hưởng để cùng các nước thành viên chấm dứt hoạt động đánh bắt cá trái phép của ngư dân trong các vùng biển của nhau.
Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong ASEAN giai đoạn 2020-2025,” cũng như các sáng kiến trong khu vực ASEAN về phát triển nghề cá bền vững và phòng chống khai thác IUU.
Trong vài năm qua, các nước ASEAN đã thúc đẩy các nỗ lực chung chống đánh bắt cá IUU, trong bối cảnh nhiều nước khu vực phải nhận “thẻ vàng” của EC như Thái Lan (năm 2015), Philippines (năm 2014) hay Campuchia nhận “thẻ đỏ” năm 2014.
Các quốc gia thành viên ASEAN đã thống nhất chủ trương thành lập Mạng lưới chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của ASEAN (ASEAN Network for Combating IUU, AN-IUU) với mục tiêu chính là chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực quản lý, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho các nước thành viên.
ASEAN cũng xúc tiến triển khai Kế hoạch hành động khu vực chống khai thác bất hợp pháp (RPOA-IUU); thực thi các biện pháp quản lý, thống nhất hợp tác giữa các quốc gia thành viên nhằm chống lại khai thác bất hợp pháp thông qua cơ chế trao đổi và minh bạch thông tin.
Xác định một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khai thác bất hợp pháp như vậy ở Đông Nam Á là do nguồn lợi thủy sản vùng biển của các nước bị khai thác quá mức; trình độ, chất lượng lao động ngành thủy sản, ngư dân còn nhiều hạn chế, các nước ASEAN đang tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ và quản lý nguồn cá, thống nhất các quy định pháp luật về nghề cá và bảo vệ môi trường giữa các bên liên quan.
Bên cạnh đó, nhằm tạo thêm việc làm cho ngư dân, mở rộng không gian, cơ hội, ngành nghề lao động sản xuất cho người dân, các nước chú trọng phát triển đồng đều giữa khai thác và nuôi trồng; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ để phát triển kinh tế ven biển gắn với đào tạo nghề cho người dân vùng ven biển để chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân, từ đó giảm áp lực cho việc khai thác hải sản.
Song song với đó, các nước có vùng biển tiếp giáp trong khu vực chủ động trao đổi với lực lượng thực thi pháp luật, ký kết, lập đường dây nóng, tổ chức tuần tra chung với nhau để cung cấp thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề về tàu cá, ngư dân của mình bị các nước bắt giữ.
Hoạt động tuần tra kiểm soát các khu vực, vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa các nước cũng được đặc biệt chú trọng để khẳng định chủ quyền, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.
Biện pháp tuyên truyền, kêu gọi được sự tham gia, ủng hộ của người dân, đặc biệt là ngư dân trong việc thực hiện các quy định, chính sách theo quy định của luật pháp sở tại và quốc tế cũng đang được đẩy mạnh.
Với những nỗ lực như vậy, các nước Đông Nam Á đang hướng tới xây dựng một ngành khai thác hải sản hiện đại, bền vững, gắn khai thác với bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản bền vững của khu vực.