Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong khoảng 20 – 30 năm tới, nhiều tỉnh, thành phố sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là nước cho sản xuất nông nghiệp.
Còn theo đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sau khi khảo sát trữ lượng nước ở một số tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, trữ lượng nước mặt ở các vùng phân bố không đồng đều.
ĐBSCL tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng mới
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, ở các tỉnh Nam Trung Bộ, ĐBSCL, 5 năm trở lại đây có tình trạng thiếu nước do hạn hán, nắng nóng kéo dài. Lũ thấp và muộn, mực nước các sông thấp; mặn tiến vào sâu trong đất liền, có nơi vào sâu đến 135 km (sông Vàm Cỏ Tây), có nơi nồng độ mặn cao lên tới 18%o như ở tỉnh Bến Tre.
Điều này đặt ra vấn đề mang tính bất thường hay là quy luật để có cách tiếp cận và quản trị nguồn nước cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ĐBSCL là khu vực màu mỡ, phì nhiêu, nhưng những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: Nước biển dâng, thay đổi triều cường, thay đổi hướng gió và do tác động của tổ chức quy mô nền kinh tế, khai thác tài nguyên như cát, sỏi không đúng quy hoạch, trật tự, khiến cho hệ sinh thái ở đây bị ảnh hưởng.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết 120 với mục đích tính toán lại khu vực ĐBSCL có thể thích ứng được với sự BĐKH và yếu tố thượng nguồn trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại đời sống dân cư. Theo đó, phải xây dựng được đề án phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng mới.
Bên cạnh đó là xây dựng đề án phát triển hệ thống thủy lợi thích ứng với cơ cấu sản xuất mới; rà soát, xây dựng đề án thích ứng và xử lý vấn đề sạt lở đối với bờ sông, bờ biển của ĐBSCL.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng xây dựng đề án tổng thể về phát triển rừng, phát triển thủy sản, trái cây, lúa gạo ở ĐBSCL, đảm bảo trong 10 năm tới có được bộ giống theo chiều hướng hiện đại. Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng mới, với trọng tâm là thay đổi sản xuất chính thức được thực hiện xong và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu như trước kia, ĐBSCL dựa vào nguồn nước ngọt nhiều, chủ yếu là trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả, thì nay lựa chọn nuôi trồng thủy sản được ưu tiên.
Trên cơ sở đó, cân đối lại nhu cầu nguồn nước ở vùng thượng nguồn, vùng trung du và ven biển. Việc làm này không chỉ thực hiện ở 7 tỉnh ven biển mà ngay khu vực thượng nguồn như tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp…
“Về giải pháp thiết kế công trình, Bộ NN&PTNT đã có giải pháp tận dụng nguồn tài nguyên nước ngọt một cách phù hợp, tích cực, không ảnh hưởng đến môi trường nhằm phục vụ vào sản xuất. Bảy công trình thiết kế được sử dụng trong thời gian qua đã góp phần vào ngăn chặn hạn hán. Với giải pháp về thiết kế công trình, bờ sông, bờ biển và hệ thống rừng nước mặn cũng sẽ góp phần giải quyết bất cập về hệ sinh thái, nguồn nước ở khu vực ĐBSCL”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Những thách thức với an ninh nguồn nước
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, thách thức đầu tiên là vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian, mùa mưa lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt. Mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn; thiếu nước còn do nhu cầu sử dụng tăng do phát triển kinh tế – xã hội như cho mục đích phát điện, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; do quản trị nước còn hạn chế, chưa tích trữ được nước tại chỗ, chưa điều chuyển nước được từ nơi thừa sang nơi thiếu và cả do chưa sử dụng nước tiết kiệm.
Thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. BĐKH kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm mặn, lượng mưa phân bố không đều trong năm, mùa khô kéo dài và mùa mưa lượng mưa tăng đột ngột. Xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét, thay đổi lưu lượng dòng chảy… gây áp lực lên hệ thống thủy lợi, mực nước biển dâng cao, hạn chế diện tích canh tác.
Do BĐKH và thời tiết cực đoan kéo theo mưa lớn, lũ thì việc phòng lũ, chống úng, tiêu thoát nước đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các hồ chứa. Nhiều hồ hiện nay bị bồi lắng lớn làm cho dung tích phòng lũ hạn chế; nhiều hồ chứa được xây dựng trước đây chưa tính đến yếu tố phòng lũ hoặc xây dựng bằng vật liệu không đủ khả năng tích nước phòng lũ. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tích trữ nước, an toàn cho hạ du và sử dụng tại chỗ khi thiếu nước ở những địa hình dốc, chia cắt mạnh.
Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Do tăng dân số, phát triển kinh tế – xã hội, nên gia tăng vấn đề xả thải vào nguồn nước các sông, suối. Hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn, ảnh hưởng đến nhiễm mặn các dòng sông đặt ra vấn đề chống xâm mặn ở những nơi chưa từng xảy ra như ở Sông Lam (Nghệ An), Sông Cả (Thanh Hóa); sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam)… đã ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều địa phương.
Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước. Đồng thời, đặt ra vấn đề cần xây dựng các cống để trữ ngọt, ngăn mặn trên các hệ thống sông này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế. Việt Nam có tới 3.500 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên; có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000 km2, nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn.
Do đó, chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa. Việc chuyển nước từ dòng chính sông Mê Kông ra khỏi lưu vực (Thái Lan) ảnh hưởng lượng nước cấp cho ĐBSCL.
Từ đó khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Ngoài ra, vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông, cũng như cho các mục đích sử dụng như mâu thuẫn trong việc chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn (phục vụ Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4, tỉnh Quảng Nam) cũng làm giảm lượng chảy về hạ lưu của sông Vu Gia – là nguồn cung cấp nước chính cho tp Đà Nẵng hoặc Hồ thủy điện A Vương đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước của 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, nhưng có thời điểm khác biệt về nhu cầu giữ nước và xả nước gây mâu thuẫn cho vận hành.
Trong vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy, hiện nay chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông. Việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao su… cũng không có tác dụng trữ nước trên lưu vực. Tại các tỉnh đầu nguồn nước như tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La… thì việc bảo vệ nguồn sinh thủy còn bất cập, độ che phủ rừng chưa cao trong khi quỹ đất quy hoạch trồng rừng còn khá lớn (tỉnh Sơn La còn 299.000 ha đất quy hoạch cho trồng rừng; tỉnh Điện Biên hiện còn 229.000 ha…).
Hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thủy lợi chưa chưa đáp ứng yêu cầu. Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn, trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%. Việc sử dụng nước chưa tiết kiệm.
Nhiều hồ được xây dựng từ những năm 60 – 70 của thế kỷ XX nên công nghệ sử dụng lạc hậu, chủ yếu là đập đất. Hạ tầng đấu nối đi kèm không thể tương thích cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của công trình. Nhiều hồ không thể tích được đủ nước theo dung tích thiết kế, thậm chí không thể tích nước, mất an toàn… nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng nước.