Theo một nghiên cứu công bố ngày 26/8, các vụ cháy nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở rừng Amazon đang “đầu độc” bầu không khí của khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này, làm tăng mạnh số ca bệnh về đường hô hấp nói chung tại khu vực vốn đã chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các vụ cháy rừng Amazon của Brazil hồi năm ngoái đã khiến khoảng 2.195 người sinh sống tại khu vực này phải nhập viện vì suy hô hấp do hít phải không khí đầy khói ô nhiễm, trong đó có 467 trẻ em và 1.080 người trên 60 tuổi – chiếm 70% tổng số người nhập viện.
Theo các tác giả nghiên cứu, các số liệu này đến nay một lần nữa cho thấy mức độ báo động về cháy rừng và nạn phá chặt phá rừng và tình hình thậm chí có thể nghiêm trọng hơn trong năm 2020.
Các giả nêu rõ: “Các đám cháy, bắt nguồn từ nạn chặt phá rừng không kiểm soát được, đang đầu độc bầu không khí hít thở của hàng triệu người, ảnh hưởng tới sức khỏe của họ trên khắp khu vực Amazon của Brazil”.
Trong nghiên cứu, các tác giả đã dùng phương pháp phân tích dữ liệu thống kê về số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh liên quan tới đường hô hấp để đưa ra dự báo có thêm bao nhiêu người mắc các bệnh này trong năm 2019 liên quan tới cháy rừng.
Các tác giả cảnh báo vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn trong năm nay do đại dịch COVID-19 vốn đã tác động mạnh tới khu vực Amazon và có thể kết hợp với mùa cháy rừng (thường lên tới đỉnh điểm trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10) khiến các bệnh viện hoạt động quá tải.
Bên cạnh đó, các tác giả cũng cảnh báo về tác động của ô nhiễm không khí đối với cộng đồng người bản xứ ở Amazon, vốn rất dễ tổn thương trước dịch COVID-19.
Nghiên cứu trên do hai viện của Brazil là Viện Nghiên cứu môi trường Amazon (IPAM) và Viện Nghiên cứu chính sách sức khỏe (IEPS) cùng văn phòng tổ chức Human Right Watch thực hiện. Kết quả nghiên cứu cũng tương tự kết quả nghiên cứu được Viện Môi trường xã hội Brazil (ISA) công bố ngày 25/8, theo đó, số người bản xứ nơi đây nhập viện tăng mạnh trong mùa cháy rừng.