Ngày 25/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố hiện tại châu Phi không còn tồn tại virus gây bệnh bại liệt.
Đây là bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ nhằm đấu tranh và xoá bỏ căn bệnh nguy hiểm này trên toàn thế giới.
Xác nhận của WHO được đưa ra sau khi tổ chức này không ghi nhận bất cứ trường hợp nào mắc bệnh bại liệt tại các quốc gia châu Phi trong vòng 4 năm qua. Cũng theo WHO, cùng với bại liệt, bệnh đậu mùa cũng đã được đưa vào danh sách các loại virus đã được xử lý ở châu lục này.
Liên Hợp quốc cho biết kể từ năm 1996, các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm loại trừ bệnh bại liệt đã giúp 1,8 triệu trẻ em thoát khỏi bị liệt suốt đời, đồng thời cứu sống khoảng 180.000 người.
Poliomyelitis – thuật ngữ y học của bệnh bại liệt, là loại virus lây lan và truyền nhiễm cấp tính, tấn công tuỷ sống và gây ra tình trạng tê liệt không thể phục hồi ở trẻ em. Nó đã trở thành dịch bệnh phổ biến trên khắp thế giới cho đến khi vaccine phòng ngừa bệnh này được nghiên cứu vào những năm 1950. Tuy nhiên, vaccine phòng ngừa bại liệt vẫn rất khó tiếp cận đối với một số nước nghèo ở châu Á và châu Phi.
Năm 1988, vào thời điểm WHO, Quỹ Nhi đồng LHQ (Unicef) và một số tổ chức quốc tế phát động chiến dịch xử lý bệnh bại liệt trên toàn cầu, cả thế giới đã ghi nhận 350.000 trường hợp mắc bệnh bại liệt, trong đó có hơn 70.000 trường hợp tại châu Phi.
Nhờ nỗ lực toàn cầu và sự ủng hộ tài chính từ cộng đồng quốc tế (khoảng 19 tỷ USD trong 30 năm qua), trong năm nay, chỉ có Afghanistan và Pakistan vẫn còn ghi nhận các trường hợp mắc bại liệt, với tổng cộng 87 ca.