Ngoài ông Nguyễn Thanh Nghị, hai cựu chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bị kiểm điểm vì liên quan sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017.
Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh này về việc xử lý những sai phạm đất đai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ngoài UBND tỉnh Kiên Giang, 22 đơn vị khác phải tổ chức kiểm điểm, xử lý cán bộ sai phạm. Đến nay, 9 đơn vị báo cáo kết quả, số còn lại đang thực hiện.
Kiểm điểm hàng chục cán bộ
Hai nguyên chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là các ông Phạm Vũ Hồng, Lê Văn Thi cùng 12 người nguyên là phó chủ tịch, thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011-2017 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Trong 6 nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh bị kiểm điểm có ông Nguyễn Thanh Nghị, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang; ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc; bà Lê Thị Minh Phụng và các ông Mai Anh Nhịn, Lâm Hoàng Sa, Lê Khắc Ghi đã nghỉ hưu.
40 cán bộ bị kiểm rút kinh nghiệm còn lại là công chức tại các sở, ngành, UBND huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, Giồng Riềng. Riêng huyện Phú Quốc có 21 cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, 5 cá nhân kỷ luật cảnh cáo và 11 người nhận kỷ luật khiển trách.
Về xử lý kinh tế, tỉnh Kiên Giang đã truy thu tiền thuế tài nguyên hơn 2,2 tỷ đồng. Đối với nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuế đất, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang thu hơn 822 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.549 tỷ đồng.
Số tiền không có khả năng thu hồi trên 39 tỷ đồng do doanh nghiệp phá sản hoặc không triển khai dự án.
Tách trên 17.000 thửa đất nông nghiệp
Cuối tháng 4/2020, Thanh tra Chính phủ kết luận về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2011-2017.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2014, toàn bộ 145 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Kiên Giang không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết do quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm được phê duyệt.
Tỉnh này còn chậm triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu chức năng trong Khu kinh tế Phú Quốc, dẫn đến Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất đối với một số tổ chức để thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc vượt diện tích so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc đã buông lỏng quản lý rừng, dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn, xử lý.
Kết luận thanh tra xác định Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn 1/1/2016 – 31/12/2017 (ông Phạm Vũ Hồng – PV) đã phê duyệt không đúng thẩm quyền đơn giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án đầu tư.
UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho Công ty TNHH Ngôi Sao chưa đúng quy định, dẫn đến phải truy thu về cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 62 tỷ đồng. Sở Tài chính tỉnh cũng xác định sai giá đất với Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc – chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc – và phải truy thu về cho ngân sách Nhà nước gần 18 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến tháng 8/2018, UBND huyện Phú Quốc và các xã, thị trấn đã buông lỏng quản lý về đất đai và trật tự đô thị nên nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách ra nhiều thửa nhỏ để bán nền, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Từ ngày 1/1/2016 đến 9/6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp tại Phú Quốc với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) không vì mục đích sản xuất nông nghiệp. Trong khi quy định của pháp luật về đất đai trong giai đoạn này không có quy định về tách thửa đất nông nhiệp dẫn đến tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp ở Phú Quốc diễn ra rất phức tạp.
Theo Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 phải chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính đối với vi phạm, thiếu sót đã nêu tại kết luận thanh tra.
Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có liên quan cần kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra những thiếu sót, vi phạm, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị cương quyết thu hồi chủ trương đầu tư hoặc thu hồi dự án gắn với thu hồi quyền sử dụng đất đối với 43 dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư.
Tỉnh ủy Kiên Giang chưa nhận được báo cáo
Ngày 25/8, Zing liên hệ bà Đặng Tuyết Em, Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, để trao đổi về việc vì sao Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ sai phạm nhưng báo cáo của Thanh tra tỉnh Kiên Giang nêu ra con số có đến trên 60 cán bộ từ tỉnh đến các ngành và địa phương chỉ bị kiểm điểm. Bà Em cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa nhận được báo cáo tổng hợp của Thanh tra tỉnh.
Theo bà Em, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch thực hiện theo. Các cơ quan, đơn vị và địa phương bám vào kế hoạch này để kiểm điểm, xử cán bộ liên quan.
“Sau khi tập hợp kết quả xử lý của các cơ quan, đơn vị, Thanh tra tỉnh sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa có báo cáo này. Nếu Thanh tra Chính phủ có báo cáo này thì tỉnh đợi Trung ương chỉ đạo thêm”, bà nói.
Phó bí thư Kiên Giang cho biết thêm khi nhận được báo cáo của Thanh tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang sẽ xem xét rồi “tính nữa”. Nếu phát hiện nội dung nào chưa thỏa đáng, Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét, chỉ đạo tiếp.
“Nói kiểm điểm rút kinh nghiệm không thì chưa đúng lắm. Bởi trước thanh tra, tỉnh đã phát hiện xử lý. Trong quá trình thanh tra, tỉnh cũng tiếp tục xử lý, kỷ luật. Do đó, nếu lấy kết quả xử lý sau thanh tra thì chưa đầy đủ”, bà Tuyết Em nêu quan điểm.