Ghi nhận thêm một cá thể rùa mai mềm quý hiếm tại hồ Đồng Mô

Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) vừa phát thông cáo cho hay ngày 20/8/2020, anh Nguyễn Văn Trọng, cán bộ thực địa của ATP đã chụp được khoảnh khắc hai cá thể rùa mai mềm vô cùng quý hiếm cùng nổi tại một địa điểm ở hồ Đồng Mô, Hà Nội. Trong đó, có một cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) khổng lồ hay rùa Hoàn Kiếm đã được ghi nhận từ năm 2007 và một cá thể rùa mai mềm mới (ảnh đánh dấu) nổi song song.

Cả hai cá thể chỉ nổi chưa đến 3 giây nhưng anh Trọng đã chụp được một số bức ảnh quý về hai cá thể này.

Theo ATP, cần tiến hành thêm các nghiên cứu chuyên sâu để xác định danh tính của cá thể rùa mới nhưng kích thước của cá thể rùa thứ hai cho thấy nhiều khả năng đó là đó là một cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) khổng lồ hay rùa Hoàn Kiếm, loài rùa quý hiếm nhất trên thế giới và hiện chỉ được ghi nhận tại Việt Nam và Trung Quốc.

Rùa Hoàn Kiếm là loài cực kỳ nguy cấp, có thể nặng hơn 150 kg. Loài rùa này bị săn lùng ráo riết trong giai đoạn 1970 – 1990 để làm thực phẩm và rất hiếm gặp ngoài tự nhiên.

Được biết, hồ Đồng Mô là địa điểm ghi nhận cá thể rùa Hoàn Kiếm hoang dã đầu tiên trên thế giới vào năm 2007. Đến ngày 24/5/2017, nhóm nghiên cứu của ATP tiếp tục ghi nhận cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ hai tại hồ Xuân Khanh. Và tin vui lần này dấy lên niềm hy vọng cho thấy nhiều khả năng chúng ta ghi nhận thêm một cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) ở Đồng Mô, nâng tổng số cá thể còn tồn tại được biết đến của loài này lên 4 cá thể, trong đó 3 cá thể ở Việt Nam và 1 cá thể ở Trung Quốc.

Những bức ảnh đầu tiên chứng minh sự tồn tại của cá thể rùa mai mềm lớn thứ hai tại hồ Đồng Mô, ATP tin rằng đây là một cá thể Giải Sin-hoe nhỏ. Ảnh: Nguyễn Văn Trọng (ATP/IMC)
Những bức ảnh vẫn chưa đủ rõ nét để phục vụ cho công tác định loại cá thể rùa nhỏ, nhưng với các quan sát trước đây được thực hiện bởi ATP/IMC và với ước tính trọng lượng rùa từ 40-50 kg, đây có thể là một cá thể Giải Sin-hoe. Ảnh: Nguyễn Văn Trọng (ATP/IMC)
Anh Nguyễn Văn Trọng, một ngư dân sinh ra và lớn lên tại hồ đã trở thành một nhân viên thực địa của ATP/IMC có đóng góp quan trọng cho công tác bảo tồn rùa. Ảnh: Nguyễn Tài Thắng (ATP/IMC).

Trong 13 năm qua, nhân viên ATP/IMC đã làm việc không ngừng nghỉ tại hồ Đồng Mô để quan sát và ghi lại các lần nổi cùng tập tính của cá thể rùa lớn, đồng thời tuyên truyền cho công tác bảo tồn tại cộng đồng địa phương. Ảnh: Nguyễn Tài Thắng (ATP/IMC).
Nguồn: