Ấn Độ chống săn trộm và buôn lậu sừng tê sang Trung Quốc qua biên giới Myanmar

Một đêm trăng tròn đầu tháng 5, một toán săn trộm đột nhập vào Agratoli, khu vực nằm phía đông VQG Kaziranga nổi tiếng Ấn Độ. Ngày 9/5, kiểm lâm tìm thấy một thi thể tê giác Ấn Độ bị cắt sừng cùng 9 khẩu súng trường tự động, chứng tỏ đã xảy ra vụ săn trộm tại đây.

Hơn 2 tháng sau, qua một số vụ bắt giữ và một vụ giết người, cảnh sát cho biết có bằng chứng rõ ràng về nhóm phiến quân Zomi Revolutionary Army (ZRA) hiện diện ở bang Manipur, giáp biên giới Myanmar là mắt xích quan trọng trong đường dây buôn lậu sừng tê sang Đông Nam Á và Trung Quốc thông qua Myanmar.

Vụ việc xảy ra ở Kaziranga thuộc bang Assam là vụ săn trộm đầu tiên trong 13 tháng của.

Dữ liệu từ Cục kiểm soát tội phạm ĐVHD (WCCB) cho thấy tình trạng săn trộm và tội phạm hoang dã giảm mạnh. Năm 2015 ghi nhận 698 vụ thì năm 2019 chỉ còn 295 vụ. Tới giữa 2020, chỉ 19 vụ được WCCB ghi nhận.

Riêng năm 2019, bang Tây Bengal đứng đầu với 56 vụ, Uttar Pradesh theo sau với 54 vụ, bang Assam tuy diện tích nhỏ hơn nhiều nhưng là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật nguy cấp nên cũng ghi nhận 24 vụ.

Tuy nhiên giới chức cho rằng các băng đảng săn trộm đang tìm cơ hội vì ngày 8/8 vừa qua một vụ săn trộm tê giác khác bị phát hiện ở gần bờ sông Brahmaputra thuộc Kohora – ngay vùng trung tâm VQG.

Tê giác ở VQG Kaziranga. (Ảnh: Earthjournalism)

VQG Kaziranga cùng vùng rừng và đất ngập nước thuộc Khu bảo tồn hổ là nơi nương náu cho nhiều loài, bao gồm “ngũ bảo” của Ấn Độ là tê giác một sừng, voi, trâu rừng, hươu đầm lầy Ấn Độ và hổ Bengal. Kaziranga nổi tiếng vì bảo vệ tốt tê giác, đưa quần thể loài tăng lên 2.400 cá thể và tình trạng bảo tồn chuyển từ “nguy cấp” sang “sắp nguy cấp” từ 2008.

Có những bằng chứng cho thấy các băng đảng săn trộm tê giác có mối liên hệ với ZRA – nhóm có vũ trang theo chủ nghĩa dân tộc thành lập từ năm 1997 khiến tình hình trở nên phức tạp. ZRA đóng vai trò trung gian quan trọng giữa các bang ở biên giới Ấn Độ và Myanmar trước khi tuồn sừng tê giác sang Trung Quốc.

Buôn lậu sừng tê xuyên biên giới sang Myanmar là tuyến buôn lậu chính từ Assam sau khi nhà chức trách xiết chặt thực thi luật và bẻ gãy các mạng lưới săn trộm ở Nepal chuyển hàng từ nước này qua Tây Tạng, theo báo cáo năm 2016 của Nhóm chuyên gia tê giác châu Á. Sừng tê rất được giá vì được sử dụng làm thuốc hoặc thể hiện địa vị.

Một nhân viên an ninh ở Manipur tiết lộ buôn lậu sừng tê xuyên biên giới nhận được sự đồng lõa của các nhóm phiến quân trong khu vực: “Không hoạt động nào có thể diễn ra nếu họ không đồng lõa. Những nhóm này có cả mạng lưới ở Myanmar”.

Thị trấn Moreh ở biên giới Ấn Độ – Myanmar mãi gần đây vẫn là thiên đường cho giới buôn lậu nhưng đường cao tốc chạy tới thị trấn này có nhiều trạm kiểm soát nên buôn lậu ngày càng khó khăn. Năm 2018, một cảnh sát Manipur bị bắt ở quận Senapati vì định mang sừng tê giác tới Moreh.

“Churachandpur là tuyến đường dễ thở hơn”, một quan chức thuộc WCCB chia sẻ.

Một nhân viên an ninh nghỉ hưu khác từng tham gia điều tra về buôn lậu động vật hoang dã từ Ấn Độ sang Đông Nam Á kể lại quá trình con đường từ Churachandpur đến làng Behiang ở biên giới Ấn Độ – Myanmar rơi vào vòng ảnh hưởng của ZRA: “ZRA có những mối liên hệ và mạng lưới được thiết lập chặt chẽ ở Myanmar để bán sừng”.

Các điều tra viên rất lạc quan về khả năng bẻ gãy các băng đảng tội phạm động vật hoang dã. Họ tin rằng có khoảng 5 hoặc 6 nhóm đang hoạt động ở Churachandpur. Trước đó, họ chỉ có thể theo dấu những kẻ chủ mưu ở Nagaland hoặc Arunachal Pradesh.

Ở Assam – nơi có VQG Kaziranga duy trì được sức ép lên các mạng lưới săn trộm đã gặt hái thành quả. Các vụ săn trộm hổ giảm từ 61 giai đoạn 2016-2018 xuống chỉ còn 6 vụ năm 2019. Các vụ săn trộm voi cũng giảm từ 33 trong giai đoạn 2015-2016 xuống 6 vụ năm 2018-2019.

Từ năm 2013 đến 2016, 120 cá thể tê giác bị săn trộm ở Assam và Tây Bengal, không ít trường hợp kiểm lâm cũng bị bắt giữ vì vai trò mờ ám. Dữ liệu từ Sở Lâm nghiệp Assam cho thấy từ 37 vụ săn trộm tê giác năm 2013, con số này giảm xuống chỉ còn 2 vụ tính tới 10/8/2020.

“Không có vụ săn trộm nào không có nghĩa là áp lực không tồn tại”, kiểm lâm Ramesh Gogoi thuộc VQG Kaziranga chia sẻ. Dữ liệu từ Sở Lâm nghiệp Assam ghi nhận 343 vụ bắt giữ từ năm 2016 đến 2018. Từ tháng 1/2019 đến tháng 7/2020, phân khu động vật hoang dã Biswanath thuộc VQG Kaziranga ghi nhận 68 vụ bắt giữ.

“Assam có ý chí chính trị rõ ràng để giải quyết nạn săn trộm”, một viên chức thuộc WCCB cho hay. “Từ 25 vụ săn trộm tê giác mỗi năm, trong 3 năm qua giảm xuống còn 0-5 vụ”.

Dù vậy, việc kết án tại tòa còn chậm. Theo số liệu của Sở Lâm nghiệp Assam, từ 1/1/2016 đến 31/12/2018, chỉ 19 người bị bắt và kết án tội săn trộm, có cả những lời cáo buộc các viên chức lâm nghiệp nhắm vào những người dân vô tội.

“Đó là do những sai sót về quy trình điều tra”, giám đốc VQG Kaziranga Sivakumar giải thích, cho biết các vụ kết án liên quan đến săn trộm tê giác đang tăng.
Giới chức không chỉ phàn nàn về tỷ lệ kết án thấp và còn cả tình trạng thiếu hợp tác giữa các bang làm cản trở các cuộc điều tra.

Manipur có thành tích chống buôn lậu động vật hoang dã khá nghèo nàn. Chánh thanh tra cảnh sát Amrita Sinha ở Churachandpur cho biết năm 2019 không có vụ săn trộm nào ở quận. Từ 2017 đến 2019, cả bang Manipur chỉ có 1 vụ săn trộm động vật hoang dã.

WCCB – cơ quan điều tra và điều phối hành động giữa các bang – thiếu hụt nhân sự trầm trọng nên Assam và Manipur chỉ có một thanh tra thuộc cơ quan này ở mỗi bang. WCCB cũng cho biết các bang không cung cấp dữ liệu hoàn chỉnh về tội phạm động vật hoang dã.

Dù vậy, các thanh tra ở Assam vẫn lạc quan về việc xâm nhập sâu hơn vào các mạng lưới săn trộm xuyên quốc gia. Viện dẫn Đạo luật ngăn ngừa các hành vi phạm luật – một luật chống khủng bố gây tranh cãi – sẽ khiến nghi can khó chi tiền bảo lãnh và dọn đường cho các cơ quan điều tra cao nhất của Ấn Độ tiếp quản vụ việc.

“Điều đó sẽ giúp lật tẩy các mạng lưới lớn hơn”, theo lời một cảnh sát giấu tên.

Quay lại Kaziranga, quay cuồng vì phải chống chọi với lũ lụt nghiêm trọng trong những tháng gần đây, Sivakumar biết chống săn trộm là cuộc chiến dài hơi: “Đó là con đường dài phải đi”.

Sở Lâm nghiệp vừa bắt giữ 6 người địa phương để thẩm vấn về vụ săn trộm tê giác gần đây nhất ngày 8/8. Cảnh sát cho biết những kẻ săn trộm đến từ bờ bắc sông Brahmaputra nên có thể vụ việc liên quan đến bang Arunachal Pradesh và số sừng tê đã được tuồn sang Myanmar qua đường Nagaland hoặc Manipur.

“Chúng tôi đang lần theo chuỗi, điều tra những đầu nậu ở Nagaland, Manipur hoặc thậm chí Myanmar”, cảnh sát trưởng bang Assam GP Singh cho hay. “Chúng tôi cũng đang điều tra sự liên kết giữa những kẻ chủ mưu và phiến quân/khủng bố đang hoạt động trong khu vực”.

Thế Anh (Lược dịch từ Earthjournalism)

Nguồn: