Tháp canh trên cây, chuông báo động điện tử, vòng cổ âm thanh, khói cay và hàng rào tổ ong là những cách thức mà giới khoa học và bảo tồn khắp châu Á và châu Phi đang tìm tòi, nghiên cứu để ngăn voi, giảm bớt xung đột giữa voi với người.
Đầu tháng 6, cái chết của một cá thể voi cái đang mang thai vì ăn phải dứa chứa chất nổ ở Ấn Độ thổi bùng cơn giận khắp toàn cầu, nhấn mạnh cách thức cực đoan mà một số nông dân Ấn Độ thực hiện để bảo vệ mùa màng khỏi động vật hoang dã. Ấn Độ là nơi sinh sống của khoảng 27.000 cá thể voi, chiếm hơn một nửa số voi châu Á (Elephas maximus) trên toàn cầu.
Tuy nhiên, do sinh cảnh và hành lang di chuyển bị thu hẹp, phân mảnh nên voi buộc phải rời rừng tìm kiếm thức ăn, đẩy chúng vào mối xung đột trực tiếp với con người. Từ năm 2014 đến 2019, có tới 2.361 người mất mạng trong các vụ xung đột với voi, 510 cá thể voi bị giết do điện giật, tàu hỏa đâm, bị đầu độc và bị săn trộm.
Thiệt hại hoa màu được chính quyền đền bù nhưng quá trình giải quyết thường chậm và nhiêu khê nên nông dân Ấn Độ có xu hướng dùng hoa quả và thức ăn chứa chất độc hoặc pháo nổ hoặc hàng rào điện cao thế để xua đuổi voi.
Prachi Mehta, Giám đốc nghiên cứu thuộc tổ chức Bảo tồn và Nghiên cứu ĐVHD (WRCS) thử nghiệm các biện pháp an toàn và chi phí thấp ở quận Uttara Kannada, bang Karnataka từ năm 2009. Uttara Kannada có diện tích khoảng 10.300 km2, có độ che phủ rừng giảm nhanh nhưng là nơi sinh sống của 70-80 cá thể voi, và chưa có vụ xung đột voi – người nào được ghi nhận ở đây kể từ khi WRCS bắt đầu làm việc với 700 nông dân sống ở các làng xung quanh.
Thật sự không dễ dàng. “Các vụ xung đột voi – người đều khác nhau”, Mehta cho hay.
“Không có giải pháp vạn năng. Đầu tiên, chúng tôi tìm hiểu tình hình và tìm giải pháp riêng cho nơi đó”.
“Voi là động vật rất thông minh nên quen với các biện pháp ngăn chặn, do đó chúng tôi phải đổi phương cách liên tục hoặc tìm ra cách mới. Mục tiêu của chúng tôi là giúp nông dân có được những cách đơn giản, rẻ tiền để bảo vệ hoa màu. Các giải pháp phải được thực hiện ở quy mô cả cộng đồng thì mới hiệu quả. Sẽ là vô dụng nếu voi bỏ ruộng này để sang ruộng khác. Chúng tôi khuyến khích cả làng cùng tham gia bảo vệ mùa màng”.
Hiệu quả của một phương pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả thời điểm trong năm và vị trí trồng hoa màu. Khói cay và các phương pháp dùng lửa có hiệu quả vào mùa khô nhưng không mấy tác dụng vào mùa mưa.
Mehta phân tích: “Voi thích xông vào các ruộng không được bảo vệ nên việc con người hiện diện là phương pháp chủ yếu. Trong hầu hết các trường hợp, gác đêm ở chòi canh trên cây, đi cùng hệ thống cảnh báo sớm rẻ tiền lại ngăn chặn voi rất hiệu quả”.
Những nông dân sống gần rừng có một phương cách tuyệt vời khác là hàng rào tổ ong.
Hàng rào tổ ong lần đầu tiên được Lucy King thuộc Dự án Voi và Ong thử nghiệm và áp dụng thành công ở Kenya, hàng rào này khai thác nỗi sợ tự nhiên của voi châu Phi với ong. Sau lần gặp gỡ Lucy King ở một hội thảo, Mehta quyết định thử áp dụng hàng rào ong ở Uttara Kannada. Nông dân ở đây có truyền thống nuôi ong nên rất dễ dàng xây dựng tổ. Vẫn có những e dè về hiệu quả của hàng rào tổ ong ở Ấn Độ vì ong châu Á không hung dữ bằng ong châu Phi.
Nhưng e dè như vậy là thừa. Cán bộ chương trình Ravi Yellapur thuộc WRCS cho biết 367 nông dân ở quận hiện đã áp dụng hàng rào tổ ong. “Tính từ lúc tôi tham gia dự án vào năm 2015, chưa có vụ nào voi vượt qua được hàng rào tổ ong”.
Hàng rào này gồm 8-10 khúc gỗ rỗng treo giữa 2 trụ gỗ cách nhau chừng 10 m. Trong mỗi khúc gỗ phủ chất lỏng hỗn hợp của sáp ong, quế và một loại đường thô ở địa phương, có chừa lỗ để loài ong Apis cerena ra vào.
Là loài thụ phấn thiên nhiên, ong giúp nông dân tăng năng suất mùa màng và có thêm thu nhập từ thu hoạch mật 2 lần/năm. Mỗi tổ ong cho khoảng 4 kg mật “thân thiện với voi” mỗi lần thu hoạch với giá 300 rupee/kg. Lợi ích tài chính này, đi cùng với các buổi nâng cao nhận thức thường xuyên được WRCS và Sở lâm nghiệp địa phương thực hiện, khiến cộng đồng dung nhẫn đàn voi.
Ở các địa phương khác tại Ấn Độ, giải pháp công nghệ cao được áp dụng. Voi từng tuyệt chủng cục bộ ở bang Chhattisgarh, bắt đầu hiện diện trở lại khoảng 30 năm trước khi được di dời từ các bang lân cận về. Gần đây, một đàn gồm 19 cá thể phá hoa màu ở quận Mahasamund nên năm 2017, Sở lâm nghiệp Chhattisgarh mời tổ chức bảo tồn Wildlife SOS phát triển kế hoạch giảm xung đột. Tổ chức này đề xuất hệ thống cảnh báo sớm bằng việc gắn vòng cổ vào cá thể đầu đàn từ năm 2018.
Kartick Satyanarayan, đồng sáng lập Wildlife SOS cho biết: “Tín hiệu từ vòng đeo cảnh báo đội ngũ của Wildlife SOS để thông tin cho sở lâm nghiệp về đường di chuyển của cá thể đầu đàn cũng như cả đàn voi. Nếu có khả năng xảy ra xung đột, sở Lâm nghiệp thông tin cho trưởng làng qua WhatsApp và thông báo trên radio. Việc cảnh báo sớm này rất quan trọng với dân làng để chuẩn bị sẵn sàng khi đàn voi tới”. Dân làng sẽ đốt khói cay để xua đàn voi.
“Với thông tin từ vong đeo, chúng tôi có thể theo dõi và dự đoán hướng di chuyển” Satyanarayan nói. “Nhóm chúng tôi cũng làm việc với dân làng để họ không thực hiện các hành vi gây xung đột voi – người.”
Yếu tố thành công cốt lõi của các phương pháp trên là thay đổi thái độ của cộng đồng địa phương về voi. Yellapur tự hào: “Nông dân từng tức giận vì voi xuất hiện thì nay nghĩ rằng chúng là bạn”.
Trong bối cảnh áp từ con người lên rừng và sinh cảnh động vật hoang dã ngày càng tăng, chủ tịch Elephant Task Force Mahesh Rangarajan, tổ chức từ năm 2010 đã khuyến nghị về bảo đảm tương lai cho voi ở Ấn Độ cho rằng: “Chúng ta tập trung vào xung đột voi – người, nhưng trong thực tế voi là biểu tượng của mọi loài hoang dã. Chúng ta phải học cách cộng sinh với mọi loài. Để giảm được xung đột về lâu dài, chúng ta cần những giải pháp toàn diện bảo vệ cả sinh cảnh và cảnh quan cho động vật hoang dã nhưng vẫn giữ được sinh kế và bản sắc của người dân”.
Nhật Anh (Theo Guardian)