Ngay sau khi Nhân Dân điện tử đăng bài: “Ngang nhiên xây dựng trái phép trong khu quy hoạch đất rừng cảnh quan tại TP Buôn Ma Thuột”, UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập đoàn công tác liên ngành của thành phố phối hợp UBND phường Tân Lập tiến hành kiểm tra.
Qua kiểm tra, phát hiện các trường hợp xây dựng trái phép đúng như bài báo phản ánh, trong đó, UBND TP Buôn Ma Thuột đã ra quyết định xử phạt hành chính một trường hợp xây dựng trái phép.
Cụ thể, sau khi tiến hành kiểm tra UBND TP Buôn Ma Thuột đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-XPVPHC ngày 14-8-2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ Trọng Tín, ở tại số 6B, tổ 28, phường Ô Chợ Dừa, quận Đồng Đa, TP Hà Nội với số tiền tám triệu đồng, vì đã có hành vi vi phạm chuyển đất trồng lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị với diện tích 132 m2 thuộc thửa đất số 424, tờ bản đồ số 84, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột.
Qua kiểm tra cho thấy, ông Tín xây dựng nhà với kết cấu gồm: Móng đá hộc, tường xây gạch cao 4m, mái lợp tôn với diện tích 132 m2. Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, UBND TP Buôn Ma Thuột đã buộc ông Tín phải khắc phục hậu quả bằng cách khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Chủ tịch UBND phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột Nguyễn Minh Đức cho biết: Ngoài ông Tín đã bị UBND TP Buôn Ma Thuột xử phạt vi phạm hành chính, UBND phường cũng đã tiến hành làm việc với ông Phạm Hữu Hoan, người xây dựng trái phép trong khu vực quy hoạch rừng cảnh quan của TP Buôn Ma Thuột.
Cụ thể, qua kiểm tra việc xây dựng tại thửa đất số 540, tờ bản đồ số 83, diện tích đất 2.000 m2 của bà Phạm Thị Mão, lô đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: CT368318 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cấp ngày 13-3-2020. Mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, UBND phường Tân Lập phát hiện tại thửa đất nêu trên sử dụng không đúng mục đích, xây dựng các công trình trên lô đất. Qua xác minh, UBND phường Tân Lập xác định người xây dựng công trình là ông Phạm Hữu Hoan.
Qua trình bày, ông Hoan cho biết, bà Phạm Thị Mão cho ông Hoan mượn đất và ông đã tiến hành xây dựng trái phép trên lô đất gồm các trụ bê-tông và có đặt hai container trên các trụ bê-tông. Theo ông Hoan, việc xây dựng trên lô đất là sai mục đích sử dụng đất và cam kết tự tháo dỡ các công trình đã xây dựng, trả lại nguyên trạng thửa đất như trước khi vi phạm theo đúng yêu cầu của UBND phường Tân Lập.
Tuy nhiên, ngày 20-8, các phóng viên trở lại khu vực quy hoạch đất rừng cảnh quan TP Buôn Ma Thuột nằm tại tổ dân phố 7 và buôn Kô Siêr, phường Tân Lập thì căn nhà xây dựng trái phép của ông Hồ Trọng Tín vẫn còn nguyên hiện trạng. Lô đất ông Hoan xây dựng trái phép, hai container đã được di dời đi nơi khác, còn các trụ bê-tông vẫn nguyên tại hiện trường.
Cũng theo vị lãnh đạo UBND phường Tân Lập, ngoài hai trường hợp nêu trên, còn một trường hợp xây dựng trái phép khác, nhưng người này cam kết là tự tháo dỡ công trình.
Như Nhân Dân điện tử đã phản ánh, từ thông tin phản ánh của người dân, một số phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã men theo con đường đất nhỏ dẫn vào khu vực quy hoạch đất rừng cảnh quan của TP Buôn Ma Thuột nằm tại tổ dân phố 7 và buôn Kô Siêr, phường Tân Lập thì chứng kiến một số công trình đang xây dựng trái phép tại đây.
Điều đáng ngạc nhiên, các công trình này đã được xây dựng trong thời gian dài và diễn ra công khai nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết, chỉ đến khi nhận được thông tin của phóng viên cung cấp và vào kiểm tra mới phát hiện các trường hợp xây dựng trái phép này.
Khu vực quy hoạch rừng cảnh quan TP Buôn Ma Thuột nằm tại tổ dân phố 7 và buôn Kô Siêr, phường Tân Lập có diện tích khoảng 10 ha với hơn 20 hộ dân sinh sống trong khu vực này, trong đó nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù khu vực này quy hoạch rừng cảnh quan được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt từ ngày 31-12-2007, nhưng trong thời gian qua, một số trường hợp đến đây mua, sang nhượng lại đất nông nghiệp của người dân, thủ tục chủ yếu là giấy viết tay để trồng cây ăn trái và một số trường hợp đã xây dựng công trình trái phép nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý khiến người dân địa phương hết sức bức xúc.