Bộ Công Thương vừa ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh).
Bộ tài liệu cung cấp các hướng dẫn để 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương. Đây là nền tảng để triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 – 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 – 2025.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp tỉnh là một sản phẩm quan trọng của Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch. Bộ Công Thương đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch đối với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng trong những năm vừa qua và khẳng định, đây là một trong những công cụ hữu ích hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo ông Anton Beck, Giám đốc Hợp tác toàn cầu tại Cục Năng lượng Đan Mạch, Đan Mạch cũng đã có sáng kiến về bộ tài liệu tương tự và cho thấy hiệu quả cao. Tôi kỳ vọng rằng khi tất cả các tỉnh thành của Việt Nam sử dụng bộ tài liệu này để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động của địa phương, Việt Nam sẽ có thể tiến nhanh hơn trên lộ trình phát triển bền vững với mức phát thải thấp.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam có sự gia tăng đáng kể về tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là tiêu thụ điện với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức khoảng 9 – 10% trong thập kỷ này. Theo Quy hoạch Phát triển điện quốc gia 7 điều chỉnh, tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, đặc biệt là tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, sẽ gia tăng nhanh chóng trong thời gian tới nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao của quốc gia. Trong khi đó, Chính phủ cam kết thực hiện theo Hiệp định Pari và hướng tới mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường.
Theo Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam được công bố trong khuôn khổ Chương trình hợp tác, TKNL sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam đến năm 2030 và 2050. Theo đó, đầu tư vào các công nghệ TKNK sẽ đem lại lợi ích kinh tế dài hạn hơn do tiết kiệm được đáng kể chi phí nhiên liệu, đồng thời, giảm ô nhiễm môi trường và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.
“Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ cam kết mạnh mẽ về phát triển xanh. Đặc biệt, việc lựa chọn một lộ trình phát triển theo định hướng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả về chi phí là then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh của mọi quốc gia” – ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh. Ngài đại sứ khẳng định, Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch sẽ tích cực đóng góp vào nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu của quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
Tính toán cho thấy nếu các quy định pháp lý hiện hành được thực thi thì ngành công nghiệp có thể tiết kiệm được ít nhất 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng hiện tại hàng năm đến năm 2025. Với các phương pháp mới, các công cụ và chính sách khuyến khích dựa trên kinh nghiệm của Đan Mạch, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng có thể đạt được thậm chí ở mức cao hơn.