Hơn 50.000 tỷ đồng được đầu tư vào lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh ngành lâm nghiệp bước sang giai đoạn mới với mục tiêu, khát vọng là ngành công nghiệp chế biến gỗ cùng và độ che phủ rừng 42% với chất lượng nâng cao.

Tại hội nghị “Đánh giá chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 20/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh thời gian tới, ngành lâm nghiệp bước sang giai đoạn mới với mục tiêu, khát vọng là ngành công nghiệp chế biến gỗ cùng và độ che phủ rừng 42% với chất lượng nâng cao.

Điều này không chỉ đảm bảo phát triển kinh tế mà còn phải đảm bảo ổn định an sinh xã hội của những người sống trên địa bàn rừng. Đồng thời, đóng góp cao hơn ngành công nghiệp chế biến gỗ để trở thành nền kinh tế mũi nhọn với kỳ vọng đạt khoảng 20 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2025.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong nhiều năm qua, cơ chế chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp đã từng bước được hoàn thiện. Nhờ tác động rất quan trọng của những cơ chế chính sách mà tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp trong những năm qua đều tăng trưởng rất cao, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu đều đạt tăng trưởng hơn 15%/năm.

Thời gian tới, mục tiêu của ngành là tập trung vào nâng cao chất lượng rừng, nâng cao cái liên kết theo chuỗi để nâng cao chuỗi giá trị trong sản phẩm lâm nghiệp. Như vậy cơ chế chính sách cũng phải chuyển hướng đầu tư. Đó là cần phân định rất rõ chính sách đầu tư là nhà nước sẽ đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để đảm bảo môi trường cũng như đa dạng sinh học lâu dài của đất nước.

Cùng với đó, hỗ trợ cho việc phát triển sản xuất nhưng cơ bản là hỗ trợ về nguồn lực, hỗ trợ cho những hộ nông dân nghèo, những người yếu thế để tiếp cận được với những chính sách nâng cao đời sống gắn với bảo vệ phát triển rừng và hỗ trợ về thị trường.

“Muốn phát triển kinh tế của ngành lâm nghiệp yếu tố thị trường là hết sức quan trọng. Hỗ trợ thị trường không chỉ thị trường quốc tế mà cả thị trường trong nước với khả năng tiêu thụ lâm sản khoảng 3 tỷ USD và nhu cầu trong nước đang tăng lên. Do đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp trong nội địa là rất quan trọng cùng với việc tăng xuất khẩu.”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng không chỉ có gỗ, phải phát triển mạnh cơ chế, chính sách về lâm sản ngoài gỗ. Các nhà khoa học cho rằng, giá trị môi trường và giá trị lâm sản ngoài gỗ còn lớn gấp khoảng 3 – 4 lần giá trị cây gỗ. Cho nên chính sách thời gian tới cần tập trung vào yếu tố này; trong đó, ưu tiên đối với sản phẩm dược liệu.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tổng kinh phí huy động để thực hiện phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 được khoảng 50.231 tỷ đồng (đạt 84,3% kế hoạch). Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước là 8.746 tỷ đồng, vốn ODA khoảng 3.084 tỷ đồng, dịch vụ môi trường rừng 11.447 tỷ đồng; vốn từ tổ chức, cá nhân đầu tư 26.954 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, Nhà nước đã xuất cấp 38.661 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 91.894 lượt hộ nghèo để bảo vệ 1.320.613 lượt ha rừng và trồng mới, chăm sóc 21.665 ha rừng tại 5 tỉnh, 23 huyện.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, các chính sách đầu tư về lâm nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực như: diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ tốt, chất lượng rừng từng bước được cải thiện, nhiều diện tích rừng tự nhiên đã có trữ lượng từ trung bình đến giàu. Diện tích rừng trồng là sản xuất tiếp tục được phát triển, trữ lượng cao, đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, từng bước gắn với công nghiệp chế biến gỗ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được quản lý bảo vệ hiệu quả.

Chính sách đầu tư trong lâm nghiệp cũng là động lực, tạo cơ hội trong việc đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng, hình thành một ngành kinh tế – kỹ thuật phát triển theo chuỗi giá trị từ quản lý, bảo vệ, khai thác và thương mại lâm sản.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp đã đạt được tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,89% năm 2019, ước đạt 42% năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 5,73%/năm; năm 2019 tăng gần 5%. Đến năm 2020, ước đạt khoảng 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 11,3 tỷ năm 2019 USD, ước năm 2020 đạt trên 12 tỷ USD.

Cùng với đó, diện tích trồng rừng tập trung đạt 1.133.900 ha; rừng sản xuất 1.064.700 ha; rừng phòng hộ, rừng phòng hộ 69.200 ha… Ngoài ra, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững đạt 278.976 ha tại 28 địa phương.

Tuy nhiên, mức đầu tư trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; hỗ trợ trồng sản xuất; tái sinh rừng tự nhiên còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Thiếu chính sách thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào làm giàu rừng và xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên. Trên thực tế, nhiều diện tích rừng tự nhiên giao nghèo giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được quản lý bảo vệ, tốt nhưng thiếu chính sách hưởng lợi cụ thể.

Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2015. Đồng thời, xin lùi thời gian trình dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản đến quý 4/2022 nhằm đánh giá, tổng kết các chính sách hiện hành làm cơ sở xây dựng chính sách mới phù hợp với định hướng phát triển của ngành.

Nguồn: