Nhiều tàu cá Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Galapagos của Ecuador đã tắt hệ thống thông tin liên lạc và theo dõi, thậm chí đổi tên để tránh bị giám sát.
Tư lệnh Hải quân Ecuador Darwin Jarrin hôm 18-8 cho biết trong số 325 con tàu hoạt động ở vùng biển nêu trên, phần lớn là tàu Trung Quốc, có khoảng 149 chiếc tắt hệ thống liên lạc ở một số thời điểm trong những tháng gần đây. Theo hãng tin Reuters, ông Jarrin cho hay phía Ecuador biết rõ thông tin về các tàu này nhưng từ chối cung cấp chi tiết.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang tìm cách ngăn chặn hoạt động đánh bắt đe dọa hệ sinh thái cùng lúc tránh đối đầu với Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất và là thị trường tiêu thụ chính của tôm Ecuador.
Trong những tháng gần đây, nhiều tàu cá Trung Quốc có kích thước bằng sân bóng ngày đêm rà soát đáy biển gần khu bảo tồn quần đảo Galapagos. Những tàu này bị cáo buộc đánh bắt trái phép, xả rác bừa bãi và đe dọa hệ sinh thái.
Theo tờ Daily Mail (Anh), tàu cá Trung Quốc lùng sục nhiều loài như rùa và chim, song mục tiêu chính là đánh bắt cá mập và cá mập đầu búa, với mục đích phục vụ nhu cầu tiêu thụ món xúp vây cá mập đắt tiền có giá hơn 400 USD/chén. Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới, 1/3 loài cá mập đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, ước tính khoảng 100 triệu con bị giết mỗi năm, chủ yếu để lấy vây.
Theo tạp chí Yale Môi trường 360 (Mỹ), hầu hết tàu của Trung Quốc đều lớn đến mức số lượng cá đánh bắt được trong một tuần bằng sản lượng của một tàu địa phương đánh bắt trong một năm.
Ước tính Trung Quốc có từ 200.000-800.000 tàu cá, chiếm gần 1/2 hoạt động đánh bắt của thế giới. Người dân nước này còn tiêu thụ hơn 1/3 tổng lượng cá đánh bắt trên toàn cầu.
Khi nguồn hải sản gần quê nhà cạn kiệt, đội tàu cá Trung Quốc di chuyển ngày càng xa, đến tận vùng biển của các nước ở Tây Phi và Mỹ Latin để đánh bắt. Chưa hết, tàu Trung Quốc thường sử dụng lưới kéo để bắt mực, phương pháp bị các nhà bảo tồn chỉ trích vì làm chết nhiều loài cá khác.
Từ vùng biển của Triều Tiên đến Mexico và Indonesia, các cuộc xâm nhập của tàu cá Trung Quốc ngày một thường xuyên, trắng trợn và hung hãn hơn, làm gia tăng nguy cơ đụng độ dân sự leo thang thành xung đột quân sự.