Tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở cụm đảo Sinh Tồn (Trường Sa của Việt Nam), đảo Cây, đảo san hô Quang Hòa, đảo Hữu Nhật, và đảo Phú Lâm (Hoàng Sa của Việt Nam).
Tàu cá Trung Quốc đang quay trở lại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh kết thúc lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở mà nước này đơn phương áp đặt ở Biển Đông và biển Hoa Đông trước đó, trang tin Benarnews cho biết ngày 18-8.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc phát hình ảnh hàng chục tàu cá Trung Quốc rời cảng tiến ra Biển Đông ngày 16-8.
Tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở cả Trường Sa và Hoàng Sa
Hình ảnh cho thấy số tàu cá này đi vào cụm đảo Sinh Tồn (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Cụm đảo Sinh Tồn là nơi Trung Quốc thường xuyên đưa các đội tàu cá và tàu dân quân hàng hải đến hoạt động.
Ngoài cụm đảo Sinh Tồn, trong các ngày 16 và 17-8 tàu cá Trung Quốc còn được nhìn thấy xuất hiện ở đảo Cây, đảo san hô Quang Hòa, đảo Hữu Nhật, và đảo Phú Lâm (nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Tại biển Hoa Đông, tàu cá Trung Quốc cũng xuất hiện ở vùng biển gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc tranh chấp gọi là Điếu Ngư). Nhật đã cảnh cáo Trung Quốc không được đưa ngư dân vào gần quần đảo Senkaku. Nhật trước đó từng báo động về sự hiện diện liên tục của lượng tàu thuộc sự quản lý của chính phủ Trung Quốc trong vùng 24 hải lý từ quần đảo Senkaku.
“Các hoạt động lặp đi lặp lại này cực kỳ nghiêm trọng. Các tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật đã phát cảnh báo, và chúng tôi đã phản đối với phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao hết lần này đến lần khác” – Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga nói trong một cuộc họp báo hồi tháng 7.
Nguy cơ xung đột
Theo Benarnews, việc Trung Quốc tung lại tàu cá ra Biển Đông có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột giữa ngư dân nước này với ngư dân các nước.
Trung Quốc được biết thường triển khai tàu bán quân sự và tàu hải cảnh hộ tống các đội tàu cá hoạt động ở các vùng biển tranh chấp, thậm chí cả trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước.
Trung Quốc là nước có số lượng tàu cá nhiều nhất thế giới, và theo Bernanews thì tàu cá Trung Quốc là nguồn cơn số một của tình trạng đánh bắt cá trái phép ở châu Á.
Ngoài các vùng biển châu Á, tàu cá Trung Quốc cũng hiện diện ở nhiều vùng biển châu lục khác. Hàng trăm tàu cá Trung Quốc kéo sang đánh bắt gần quần đảo Galapagos của Ecuador từ cuối tháng 7. Ecuador nói Trung Quốc đã hứa sẽ kéo số tàu cá này về, nhưng dữ liệu theo dõi cho thấy số tàu này vẫn còn ở trong vùng biển gần quần đảo Galapagos.
Thông tin mới nhất, ngày 18-8, Hải quân Ecuador cho biết hiện có hơn 300 tàu cá Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Galapagos, trong đó một nửa số này đã tắt hệ thống liên lạc và theo dõi để tránh bị giám sát. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố ủng hộ Ecuador và lên án hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc trong khu vực.
Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1-5 và kết thúc vào ngày 16-8, kéo dài ba tháng rưỡi, theo truyền thông Trung Quốc.
Lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc bao trùm các vùng biển, đảo tranh chấp ở Biển Đông. Động thái này dẫn tới suy nghĩ Trung Quốc đang cố khẳng định tuyên bố chủ quyền trái phép của mình ở khu vực.
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc bắt đầu áp dụng các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương từ năm 1999. Việc thực hiện lệnh cấm lần này thuộc dạng “khắt khe nhất lịch sử” với hàng ngàn lượt tuần tra, bắt giữ gần 1.700 “tàu cá đánh bắt trái phép”, tháo bỏ 630.000 m2 lưới đánh cá được “thả trái phép”.
Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông đang rất cao, khi Mỹ tăng cường hiện diện ở khu vực.