Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận trước mắt đảm bảo 15 dự án điện mặt trời đã vận hành thương mại và 5 dự án hoàn thành trong năm 2019 giải tỏa 100% công suất. Đồng thời, rà soát, xử lý 7 dự án điện gió đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đấu nối.
Ngày 14/8, Thanh tra Chính phủ ra Thông báo số 1392 kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, việc triển khai công tác lập, trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh còn chậm, chưa đảm bảo đồng bộ, chất lượng có mặt còn hạn chế. Đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp chậm, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai (Khu công nghiệp Du Long, dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phước Nam).
Có những khu đất thu hồi từ năm 2015 hiện vẫn để trống. Có dự án vi phạm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quản lý rừng (dự án Khu vui chơi giải trí và trồng rừng phòng hộ ven biển); chồng lấn quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến titan và diện tích đất rừng, vi phạm trật tự xây dựng… dẫn đến chậm tiến độ thực hiện đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp…
Đáng chú ý, khả năng dự báo về chỉ tiêu đất năng lượng chưa phù hợp với nhu cầu phát triển năng lượng điện mặt trời trên địa bàn. Công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án không sử dụng vốn nhà nước có một số sai phạm, khuyết điểm như triển khai thủ tục lựa chọn chủ đầu tư một số dự án chưa thực hiện theo đúng quy trình việc bổ sung quy hoạch điện lực và quyết định chủ trương đầu tư một số dự án điện mặt trời không đồng bộ với khả năng truyền tải của hệ thống hạ tầng truyền tải điện, dẫn đến nhiều nhà máy năng lượng tái tạo bị giảm phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư dự án.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận căn cứ thực trạng hạ tầng lưới truyền tải điện và tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng lưới điện truyền tải để tiến hành rà soát, xem xét, có phương án thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án điện mặt trời đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng để hạn chế tối đa việc các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh bị giảm công suất phát điện khi vận hành thương mại. Trước mắt, đảm bảo 15 dự án đã vận hành thương mại và 5 dự án hoàn thành trong năm 2019 giải tỏa 100% công suất.
Đồng thời, rà soát, xử lý theo quy định đối với 7 dự án điện gió đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt quy hoạch phương án đấu nối; rà soát các dự án điện mặt trời đang trình thẩm định bổ sung quy hoạch, đề nghị Bộ công Thương xem xét thẩm định các dự án có khả năng giải tỏa 100% công suất. Các dự án bổ sung quy hoạch còn lại căn cứ khả năng giải tỏa công suất của hệ thống hạ tầng truyền tải điện đã đầu tư để tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương thẩm định.
Đối với các dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời có sử dụng đất nông nghiệp thuộc vùng tưới hiện hữu và thuộc quy hoạch vùng tưới của các dự án công trình thủy lợi, UBND tỉnh chỉ đạo lấy ý kiến của chủ đầu tư các công trình thủy lợi để không ảnh hưởng đến hiệu quả của công trình thủy lợi. Ngoài ra, rà soát các dự án có khả năng cấp nước tưới phải kết hợp đầu tư phát triển điện mặt trời với đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.