Tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP (Australia) vừa công bố kế hoạch loại bỏ hoạt động khai thác than nhiệt trên phạm vi toàn cầu, cũng như chấm dứt hoạt động của một số mỏ than luyện kim ở bang Queensland của nước này.
Bên cạnh đó, BHP cũng đang tìm cách bán 50% cổ phần của tập đoàn trong các mỏ dầu và khí đốt ở Eo biển Bass, ngoài khơi bờ biển bang Victoria sau khi đối tác liên doanh Exxon Mobil “đánh tín hiệu” cho biết đang tìm kiếm người mua.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, trong thông báo được đưa ra ngày 18/8, Giám đốc điều hành BHP Mike Henry cho biết lợi nhuận cơ bản của tập đoàn trong năm tài chính 2019 – 2020 đạt 9,1 tỷ USD, nhờ giá quặng sắt nguyên liệu thế giới tăng cao. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn 3 triệu USD so với kỳ vọng trước đó của các nhà đầu tư.
Cũng theo ông Henry, việc BHP dự định “từ bỏ” hoàn toàn lĩnh vực than nhiệt – loại than được sử dụng để sản xuất năng lượng – là nhằm tái cấu trúc hoạt động của tập đoàn cho phù hợp hơn với nhu cầu và môi trường thực tế. BHP xác định sẽ ưu tiên tăng trưởng các mặt hàng gắn liền với sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và chuyển tải điện.
Hiện BHP đang vận hành hai khu mỏ sản xuất than nhiệt tại Mt Arthur của bang New South Wales và dự án Cerrejon ở Colombia, cả hai dự án chiếm khoảng 3% doanh thu của tập đoàn.
Ngoài ra, BHP cũng sẽ chấm dứt hoạt động của BHP Mitsui Coal – một liên doanh khai thác than cốc dùng cho sản xuất thép ở bang Queensland.
Theo BHP, các nhà sản xuất thép thế giới đang tìm cách cải thiện công nghệ, sử dụng lò cao và giảm cường độ phát thải, vì vậy, loại than mà các nhà sản xuất hiện nay ưa thích là than cốc chất lượng cao. Do đó, BHP sẽ theo đuổi mục tiêu khai thác các mặt hàng “hướng tới tương lai”, bao gồm cả đồng và niken – những thành phần cần thiết của ngành công nghiệp phụ trợ để sản xuất công nghệ năng lượng xanh.
Than nhiệt là nguồn năng lượng sử dụng nhiều carbon nhất, trực tiếp tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên. Trước những áp lực phải chung tay hành động chống biến đổi khí hậu, nhiều công ty khai thác khoáng sản thế giới đã “nói không” với than nhiệt.
Đối thủ của BHP, Rio Tinto – công ty khai thác khoáng sản lớn thứ hai thế giới – đã tuyên bố loại bỏ mọi hoạt động liên quan tới than nhiệt. Trong khi đầu năm nay, các tập đoàn Anh – Mỹ cũng cho biết dự định giảm sở hữu các mỏ than nhiệt trong những năm tới.
BHP hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khai thác khác nhau, trong đó nguồn thu lớn nhất đến từ quặng sắt, chiếm khoảng 65% doanh thu của tập đoàn. Trong vài tháng gần đây, giá quặng sắt trên thị trường thế giới bất ngờ tăng mạnh, hiện đạt tới 120 USD/tấn, do nhu cầu gia tăng từ các nhà máy luyện thép Trung Quốc, kết hợp với việc sản lượng khai thác của các nhà xuất khẩu lớn khác như Tập đoàn Vale của Brazil bị suy giảm bởi ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Quặng sắt cũng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Australia. Năm 2020, quặng sắt này đã vươn lên trở thành mặt hàng đầu tiên của “xứ chuột túi” đạt giá trị xuất khẩu 100 tỷ USD. Ngoại trừ quặng sắt, một số mặt hàng khác của BHP như đồng, dầu mỏ và than đá hiện đều gặp khó khăn do các tác động của đại dịch COVID-19.