Câu chuyện không chỉ là việc con gà trống Marcel bị giết chết, sâu xa hơn đó là cuộc đấu tranh của người dân và cả Quốc hội Pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa và lưu giữ một “di sản giác quan” ở vùng nông thôn.
Bản kiến nghị đến nay đã thu được 74.000 chữ ký đòi công lý cho một con gà trống tên Marcel bị một người hàng xóm giết chết, do họ phát ốm vì cứ phải nghe tiếng gáy của nó.
Chủ sở hữu của Marcel, một gia đình đến từ Vinzieux, ngôi làng nhỏ ở tỉnh Ardeche – miền Đông Nam nước Pháp cho biết họ “vô cùng sốc” trước cái chết của con gà trống.
Gia đình này đã đưa vụ việc ra tòa và nhờ sự giúp đỡ của “Quỹ 30 triệu bạn bè” (La Fondation 30 millions d’amis), một tổ chức phi chính phủ về quyền lợi động vật.
Họ cũng thu hút sự chú ý của dư luận với bản kiến nghị đòi hỏi “bảo vệ động vật ở các vùng nông thôn khỏi những hành vi đe dọa cuộc sống”.
Bản kiến nghị đuợc gia đình viết: “Gà trống Marcel được các con của chúng tôi tắm bằng tình yêu thương. Nó là niềm tự hào và niềm vui của gia đình chúng tôi. Việc giết và “âm mưu đầu độc” Marcel đã phá hủy “thiên đường nhỏ bình yên” mà chúng tôi xây dựng cho gia đình và vật nuôi của mình”.
Trường hợp của Marcel lặp lại trường hợp của một con gà trống khác tên Maurice, cũng bị kiện vì tiếng gáy mỗi sáng, mặc dù cái kết của Marcel bi thảm hơn nhiều.
Năm 2019, tòa án đã ra phán quyết rằng gà trống tên Maurice ở Oléron, một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương của Pháp, có thể tiếp tục gáy chào bình minh bất chấp lời phàn nàn từ một người hàng xóm.
Hoàn cảnh của Maurice đã gây xôn xao khắp nước Pháp và khiến Quốc hội phải soạn thảo dự luật bảo vệ “di sản giác quan” của đất nước.
Luật được đề xuất nhằm xác định một số âm thanh và mùi nhất định phải được xem là “bản sắc của cuộc sống nông thôn”, trong đó có tiếng gáy của gà trống, tiếng kêu của lừa hoặc mùi phân. Mục đích của luật nhằm bảo vệ chúng khỏi “các hành động pháp lý của những người không thể chịu đựng được những loại phiền toái này “.
Luật này đã được các nghị sĩ thông qua vào tháng 1-2020.
Cơ quan pháp lý cao nhất của Pháp là Tòa án tối cao cho biết chủ đề của dự luật có thể “thoạt nhìn là vô thưởng vô phạt nhưng nó thực sự đề cập đến những câu hỏi sâu sắc, ảnh hưởng đến cả bản sắc văn hóa của người Pháp và cuộc sống chung”.