Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập đang đặt ra cấp thiết, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý…
Tại Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” diễn ra trong ngày 17/8, đại diện Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã chỉ ra 8 thách thức lớn đe dọa đến an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập tại các địa phương trên cả nước. Vì thế, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là việc rất cấp thiết và cần có sự thay đổi về tư duy trong quản lý, sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả.
8 thách thức đe dọa an ninh nguồn nước
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết trong tháng 7/2020, Ủy ban này đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung phiên giải trình tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó đã chỉ ra 8 thách thức đối với an ninh nguồn nước của Việt Nam.
Theo ông Hà, thách thức đầu tiên đó là vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Mùa mưa lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt. Mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn; thiếu nước do quản trị nước còn hạn chế, chưa tích trữ được nước tại chỗ, chưa điều chuyển nước được từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Thách thức thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. Biến đổi khí hậu kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm mặn. Đặc biệt là xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét,… gây áp lực lên hệ thống thủy lợi, mực nước biển dâng cao, hạn chế diện tích canh tác.
Thứ ba là vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Do tăng dân số, phát triển kinh tế-xã hội nên gia tăng vấn đề xả thải vào nguồn nước các sông, suối. Hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều địa phương.
Thách thức thứ tư được ông Hà nhắc tới đó là nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế. Tuy Việt Nam có tới 3.500 sông suối có chiều dài từ 10km trở lên, có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000km2 nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn.
Do đó, Việt Nam chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mekong làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa…
Thách thức thứ năm là khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Tiếp đó là thách thức về mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng.
Thách thức thứ bảy được ông Hà chỉ ra đó là vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy. Hiện nay, chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông. Thêm vào đó, việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao su cũng không có tác dụng trữ nước trên lưu vực.
Và thách thức cuối cùng đó là hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thủy lợi còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Cần thay đổi tư duy trong quản lý
Về an ninh các công trình hồ đập, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết hiện nay Việt Nam đã xây dựng được gần 7.000 đập, hồ thủy lợi, thủy điện, phát huy tốt vai trò trị thủy, cấp nước, cấp điện, phòng chống lũ và tạo tăng trưởng lớn cho các nền kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.
Với các đập, hồ chứa quan trọng, hồ chứa nước lớn thì độ an toàn cao do được kiểm soát tốt từ khâu xây dựng, có quy trình vận hành, có tổ chức quản lý đủ điều kiện, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, những đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ lại có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30-50 năm, không được kiểm định trước mùa mưa lũ.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong khoảng 20-30 năm tới thì nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp. Như tại tỉnh Nghệ An, hiện có 1.061 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích 537 triệu m3 nhưng mới chỉ đảm nhiệm được 55% diện tích tưới.
Mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng lớn nên vẫn có một số lượng hồ đập lớn hư hỏng nghiêm trọng chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Ví dụ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn 50% hồ xuống cấp cần phải tu sửa; trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ chứa mất an toàn. Tỉnh Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp và 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình 544 hồ chứa, trong đó có 192 hồ hư hỏng xuống cấp…
Trước những thách thức nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập đang đặt ra cấp thiết, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị đặt mục tiêu năm 2045 phải chủ động được nguồn nước ngọt cho nhu cầu sản xuất và nước ngọt sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho khoảng 125 triệu dân; chất lượng nước phải đồng đều giữa thành thị và nông thôn.
Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới tư duy, hoàn thiện quy định pháp luật trong quản lý an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập; phải coi nước là hàng hóa đặc biệt để có biện pháp sử dụng hợp lý; tập trung các giải pháp xử lý ô nhiễm; tăng cường quan hệ quốc tế trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168 nghìn km2. Cả nước có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỷ m3.
Tuy nhiên, do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm. |