Hà Nội ra công điện tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19

Các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát trên địa bàn thành phố Hà Nội từ 0 giờ ngày 19/8/2020 thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh, chỗ ngồi cách nhau 1 m, đo thân nhiệt cho khách.

Nhân viên y tế Hà Nội tiến hành lấy mẫu dịch hầu họng để xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR của người dân từ Đà Nẵng trở về. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Sáng 18/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có công điện khẩn về viêc tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 gửi Giám đốc các sở ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-29 trên địa bàn thành phố đã có 35 ca mắc, 11 ca mắc trong cộng đồng, đã có 2 ca mắc thứ phát, có ca không triệu chứng, khi phát hiện đã qua 14 ngày, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh rộng trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn yêu cầu các đơn vị liên quan quán triệt, thực hiện nghiêm túc văn bản số 3906/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, đồng thời thực hiện các nội dung:

Tiếp tục quyết liệt công tác truyền thông, vận động để người dân phòng chống dịch, đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung quá 30 người nơi công cộng; người có bệnh mãn tính, người có nguy cơ cao, người cao tuổi có bệnh lý không nên ra ngoài khi không thật cần thiết; thực hiện khai báo y tế đúng theo quy định, khi có biểu hiện của bệnh (ho, sốt, khó thở, viêm phổi) phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà máy, công trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát từ 0 giờ ngày 19/8/2020 thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh, cụ thể: chỗ ngồi cách nhau 1m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi, toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang, có biển hướng dẫn phòng chống dịch, đo thân nhiệt cho khách hàng và bố trí dung dịch sát khuẩn, thực hiện sát khuẩn tay và lau rửa các bề mặt vật dụng thường xuyên tiếp xúc.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố, mở rộng đối tượng làm xét nghiệm SARS-CoV-2 như ho, sốt, khó thở không rõ nguyên nhân, bệnh nhân nặng, viêm phổi cấp cứu tại các bệnh viện.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố,  bảo đảm an toàn tối đa, phòng chống lây nhiễm cho toàn bộ những người bệnh nguy cơ cao, đặc biệtngười cao tuổi, người có bệnh lý nền, thực hiện giãn cách tập trung đông người tại các cơ sở khám chữa bệnh, hạn chế tối đa người nhà chăm sóc bệnh nhân, tạo môi trường thoáng khí.

Kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố không đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch.

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR đối với tất cả các trường hợp từ Đà Nẵng xong trong ngày 20/8 và thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân.

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung theo quy định. Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra công tác phòng chống dịch tại toàn bộ các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, người cao tuổi, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện, cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn thành phố.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện, đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, giám sát dịch chặt chẽ tại cộng đồng, sẵn sàng phản ứng nhanh với các thông tin để phát hiện sớm, truy tìm “dấu vết” điều tra, xác minh, khoanh vùng dập dịch kịp thời không để nguồn dịch lây lan rộng ra cộng đồng, tổ chức giám sát chặt chẽ việc phòng chống dịch ở từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ phòng chống dịch dựa vào cộng đồng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh không để lây lan dịch trong cộng đồng.

Nguồn: