Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc cho không, bán rẻ cũng là nguyên nhân dẫn tới sử dụng nước ngọt lãng phí. Đây là cơ chế phi thị trường và nặng về bao cấp, lâu dài sẽ làm triệt tiêu động lực phát triển.
Người dân được hỗ trợ nhiều về chi phí sử dụng nước
Phát biểu tại hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã có những ý kiến cụ thể về chính sách tài chính để đảm bảo nguồn lực thực hiện an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những năm qua, việc đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho công nghiệp, nước sạch cho sinh hoạt là vô cùng lớn.
Người dân được hưởng rất nhiều các chính sách của Nhà nước trong nhiều năm như: không thu tiền dịch vụ thủy lợi, giá nước cho sản xuất và sinh hoạt thấp hơn giá thành… Nhờ các chính sách đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Nhà nước, hiện nay chúng ta có trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô tưới từ 200 hecta trở lên và 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn có quy mô phục vụ trên 2.000 hecta trở lên. Chúng ta đã có tổng số 86.202 công trình thủy lợi, tưới tiêu cho trên 4,2 triệu hecta đất canh tác (trên 11,54 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 6,3 triệu hecta cần tưới) đáp ứng khoảng 54,1% đất canh tác nông nghiệp, nơi cao nhất là đồng bằng sông Hồng khoảng 98%, nơi thấp nhất là Tây Nguyên khoảng 28%. Hiện tại, đã cơ bản đủ nước sạch cho các đô thị và 88,5% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Đây là một thành tựu lớn, song lại là một thách thức không nhỏ. Nhu cầu nguồn lực trong hiện tại và tương lai cần vô cùng lớn để: ngăn mặn, giữ ngọt, ngăn nước biển dâng, chống hạn hán, xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 45,9% diện tích canh tác còn lại chưa được tưới tiêu; duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động cho hơn 86.000 công trình thủy lợi, hàng ngàn công trình cấp nước sạch sinh hoạt và cần tiền ngay để khắc phục, sửa chữa hơn 1.200 công trình hồ, đập bị xuống cấp và mất an toàn. Nguồn lực này lại chủ yếu là ngân sách nhà nước, còn nguồn thu từ người dân, doanh nghiệp là không đáng kể.
“Ngay cả việc cấp nước sạch ở một số vùng, qua khảo sát cho thấy giá thành 1 m3 nước sạch khoảng 11.000 đồng nhưng người dân mới chỉ phải bỏ ra là 6.000 đồng, còn 5.000 đồng Nhà nước phải bù bằng khoản đi vay với lãi suất khá cao. Đây là một vấn đề lớn đặt ra tạo ra gánh nặng cho ngân sách, trong điều kiện nợ công của chúng ta còn ở mức cao, các công trình đầu tư hoàn toàn phải đi vay” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.
Thực hiện nguyên tắc thị trường để nâng cao hiệu quả sử dụng nước
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc cho không, bán rẻ cũng là nguyên nhân dẫn tới sử dụng nước ngọt lãng phí và nhiều sản phẩm nông nghiệp không phản ánh đúng chi phí bỏ ra. Đây là cơ chế phi thị trường và nặng về bao cấp, lâu dài sẽ làm triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia vào thủy lợi, một lĩnh vực đang đòi hỏi huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong một quá trình dài, từ thế hệ này sang thế hệ khác mới có thể giải quyết được các vấn đề cấp bách, các vấn đề lâu dài về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống xâm ngập mặn, sụt lún và nước biển dâng từ nay cho đến cuối thế kỷ 21.
Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đối tác công – tư; phân kỳ đầu tư, có trật tự ưu tiên, cấp bách làm trước, lâu dài làm từng bước và phải có đột phá để xử lý vấn đề khó.
Đồng thời, thực hiện một kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch. Đi cùng với đó là thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời song; có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, cho hộ nghèo, hộ yếu thế theo xu thế giảm dần sự bao cấp của Nhà nước; khuyến khích hạch toán kinh tế, sử dụng nước có hiệu quả.
“Vấn đề sử dụng nước có hiệu quả phải đặt ra một cách quyết liệt, chúng ta cần nhớ rằng, hiệu quả sử dụng nước của chúng ta chỉ bằng 1/10 so với thế giới” – Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Trước tình hình hiện nay, sử dụng nước có hiệu quả sẽ giảm áp lực tình trạng thiếu nước. Giải pháp sử dụng hiệu quả cần được tổ chức một cách tổng hợp bằng các biện pháp quản lý, kinh tế, kỹ thuật, khoa học công nghệ, biện pháp tổ chức lại sản xuất.
Trước mắt, về vấn đề tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần khẩn trương bố trí nguồn lực và kinh phí để sửa chữa ngay 200 hồ đập ở 33 tỉnh đang bị hư hỏng nặng; có kế hoạch 2 năm tới sửa chữa 1.000 hồ cần sửa chữa, bước đầu bố trí đưa vào kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 những mục tiêu cấp bách, bố trí nguồn lực từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện ngay các mục tiêu, cơ chế để đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập.
Đồng thời, nghiên cứu nâng mức tiền dịch vụ bảo vệ rừng lên gấp 2 lần so với giai đoạn 2015 – 2020, đảm bảo mức thấp nhất dịch vụ bảo vệ rừng ở mức 600.000 đồng/ha/năm đến giữa giai đoạn 2021 – 2025, cuối năm 2025 và giai đoạn sau phải đạt 1 triệu đồng/ha/năm, được phân bổ theo loại rừng: rừng phòng hộ, rừng nghèo kiệt, rừng nghèo, rừng trung bình và rừng giàu, nguồn lực lấy từ ngân sách và từ tăng tiền thu dịch vụ của các công ty thủy điện…