Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cùng nói không với sản phẩm nhựa đã một lần nữa khích lệ mọi người chung tay chống rác thải nhựa.
Họ chấp nhận thay đổi công nghệ, giảm lợi nhuận để đáp lại ý thức bảo vệ môi trường từ người tiêu dùng.
Là vật liệu được nghiên cứu phát minh rất muộn, vào đầu thế kỷ XX nhưng chất dẻo nói chung và nhựa nói riêng đã trở thành một trong những vật liệu quan trọng bậc nhất đối với thế giới. Chúng có mặt trong hầu hết các vật phẩm tiêu dùng, thậm chí len vào cả những ngành cơ khí bậc cao, thay thế nhiều vật liệu trong các sản phẩm công nghệ tiên tiến… Nhựa đã làm thay đổi nhiều ngành công nghiệp bởi khả năng ứng dụng rất linh hoạt. Và có vẻ con người ngày nay đã quá phụ thuộc vật liệu này.
Sự hào hứng của con người với nhựa bắt đầu bị dập tắt bởi các nghiên cứu cho thấy chúng ảnh hưởng đến sức khỏe. Tiếp đó là nỗi lo sợ cho tương lai khi mà mỗi ngày, hàng triệu tấn rác thải nhựa được vứt ra môi trường trong khi phải mất cả trăm năm mới bị tiêu hủy. Một trong những phong trào vì môi trường mạnh mẽ nhất của thế giới ở những năm gần đây chính là nói không với rác thải nhựa và tất bật tìm vật liệu thay thế.
Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh này, sau khi hồ hởi đã bắt đầu e ngại và đã được chứng thực những tác động ghê gớm của rác thải nhựa đến môi trường. Nói như thế không có nghĩa mọi “tội lỗi” đều đổ lên vật liệu này. Bản thân chúng là vật liệu tiện lợi không thể chối cãi, vấn đề còn lại là cách sử dụng như thế nào. Bị cảnh báo độc hại nhưng những nhà sản xuất vẫn tăng công suất để đáp ứng nhu cầu. Chỉ trích nhà sản xuất, bất đồng với người tiêu dùng nhưng mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi đang sử dụng bao nhiêu vật phẩm được làm từ nhựa và khi không còn dùng sẽ vứt ở đâu? Dù muốn hay không, chúng ta vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của vấn đề hóc búa thời công nghiệp: rác thải nhựa.
Kêu gọi hạn chế rác thải nhựa, chúng ta đã làm nhưng chưa đủ. Cũng giống như công dân của nhiều quốc gia khác trước đây, thiếu biện pháp cụ thể, cứng rắn từ hệ thống quản lý xã hội thì lời kêu gọi sẽ sớm bị quên lãng. Mỗi năm, ngành nhựa Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn hạt nhựa và sử sụng thêm khoảng 1 triệu tấn sản xuất từ trong nước. Sau khi sản xuất, một phần nhỏ được xuất khẩu, còn lại cung ứng trong nước nên có thể hình dung lượng nhựa khổng lồ hằng năm thải ra môi trường như thế nào.
Một trong những giải pháp hữu hiệu được nhiều nước áp dụng là phát triển ngành nhựa tái chế. Ở Mỹ, tỉ lệ tái chế chai nhựa đạt khoảng 30%, Anh là 20%-45%. Na Uy hiện là quốc gia đi đầu với 97% chai nhựa được tái chế, còn Thụy Điển phải nhập rác thải nhựa về để nhà máy tái chế hoạt động. Ở ta, việc phân loại rác chưa làm được nên có thể chưa cần nghĩ đến ngành công nghiệp tái chế. Đánh thuế mạnh lên những ngành gây ô nhiễm cũng là giải pháp cần thiết nhưng chúng ta lại ngại ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, mỗi ngày, môi trường Việt Nam “đón” khoảng 18.000 tấn rác thải nhựa. Chậm có giải pháp thì con số này sẽ tăng lên theo thời gian và chính chúng ta và con cháu chúng ta là người nhận hậu quả.