Sau sự sụt giá nghiêm trọng, thật khó để chứng kiến sự khởi sắc trở lại của thứ nhiên liệu từng được gọi là “vàng đen”.
Khó khăn bủa vây
Theo Asia Times Financial, giá dầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả nhu cầu yếu và nguồn cung tăng kể từ đầu năm 2020. Sau khi đạt mức thấp kỷ lục vào tháng 4, nhu cầu phục hồi một phần và nguồn cung giảm đã dẫn đến một số phục hồi. Tuy nhiên với tình hình cầu âm u trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sản lượng tăng và hàng tồn kho cao kỷ lục dự kiến sẽ kéo giá dầu giảm trong thời gian tới.
Triển vọng của giá dầu
Trong 7 tháng đầu năm 2020, giá dầu đã trải qua 3 giai đoạn biến đổi, do ảnh hưởng chính yếu từ đại dịch COVID-19:
Giai đoạn 1: Giảm sâu kỷ lục
Từ tháng 1 đến tháng 4, đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn thế giới, dẫn đến việc đóng cửa ở nhiều quốc gia. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu. Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh sản xuất dầu mỏ hay còn gọi là OPEC+ không đồng ý về việc cắt giảm sản lượng đã khiến giá dầu trượt dốc. Khối lượng sản xuất tăng không chỉ do quá trình cắt giảm ở thời điểm đó hết hiệu lực mà còn là kết quả của việc Saudi Arabia, UAE và Nga vẫn tích cực tăng sản lượng. Nguồn cung dư thừa sau đó đã sử dụng hết dung lượng lưu trữ. Những yếu tố này đã khiến giá dầu giảm sâu xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ đối với dầu Brent và âm chưa từng có -38 USD/thùng đối với dầu WTI.
Giai đoạn 2: Sự phục hồi mạnh mẽ
Vào tháng 5 và 6, OPEC+ đã cắt giảm sâu sản lượng, gần 10% nguồn cung trước đại dịch toàn cầu. Dự kiến sản lượng sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2020 và đến năm 2021. Đồng thời, các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu nới lỏng các biện pháp ngăn chặn, thúc đẩy nhu cầu dầu hơn nữa. Sự phục hồi mạnh mẽ đã dẫn đến giá dầu Brent tăng gần một nửa so với mức giảm trước đó và đi vào ổn định trước cuộc họp OPEC+ vào đầu tháng 6, khi việc giảm sản lượng tiếp tục được một số thành viên như Kuwait, Saudi Arabia và UAE đồng ý. Tuy nhiên, nhiều thành viên trong OPEC+ không đồng ý cắt giảm sản lượng trong quý III. Bên ngoài OPEC+, giá dầu thấp đã gây khó khăn cho Mỹ (đặc biệt là các nhà khai thác mỏ đá phiến) và Canada trong việc duy trì mức sản lượng hiện có và các giàn khoan dầu ở các nước này đều phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng.
Giai đoạn 3: Đình trệ
Bất chấp thỏa thuận về việc gia hạn cắt giảm, giảm sản lượng tự nguyện và có tính chất bù đắp, giá dầu đã không đạt được mức cao mới ngay sau cuộc họp của OPEC+. Sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19, đặc biệt là ở Mỹ, phủ bóng đen dài lên sự phục hồi của nhu cầu, trong khi tâm lý rủi ro suy giảm đã ngăn cản bất kỳ đợt tăng có ý nghĩa nào của giá dầu. Mặc dù giá dầu có yếu tố thúc đẩy từ sự suy yếu của đồng USD vào cuối tháng 7 và có thể vượt lên trên mức đỉnh của tháng 6. Tuy nhiên, động lực tăng không rõ ràng.
Một triển vọng u ám
Nhu cầu dự kiến vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước đại dịch. Bất kỳ đợt lây nhiễm thứ 2 này kéo dài có thể sẽ làm giảm nhu cầu hơn nữa. Nguồn cung dự kiến sẽ tăng từ OPEC+, cũng như từ các nhà sản xuất khác sẽ tiếp tục sản xuất sau khi giá dầu gần đây phục hồi. Một lực cản đáng kể khác đối với giá dầu sẽ là lượng tồn kho tăng lên kha khá trong nửa đầu năm 2020. Uớc tính lượng dầu tồn kho đủ cho 6 quý, dựa trên dự báo mới nhất về cung và cầu hàng quý của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và OPEC.
Có thể có rủi ro tăng giá do nhu cầu tăng bất ngờ hoặc tâm lý rủi ro tích cực. Một rủi ro tiềm ẩn khác là đồng USD suy yếu liên tục, dẫn đến giá dầu (tính theo USD) tăng so với mức hiện tại. Tuy nhiên, với sự không chắc chắn trong tình hình COVID-19 trên toàn cầu, giá dầu nguyên liệu và duy trì tăng cao hơn khó có thể nắm bắt trong những tháng tới.
Giá dầu giảm đã mang lại một số tác động tích cực cho hầu hết các nền kinh tế châu Á. Bởi lẽ, đây là những nước nhập khẩu dầu ròng, bao gồm Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và hầu hết các nước ASEAN. Tác động của việc giảm giá dầu biểu hiện thông qua việc cải thiện cán cân thanh toán, giảm lạm phát và giảm gánh nặng tài khóa của trợ cấp nhiên liệu.
Tuy nhiên, tác động tích cực của việc giảm hóa đơn dầu bị che lấp bởi sự sụp đổ trong thương mại quốc tế. Điều này dẫn đến giảm thâm hụt thương mại thặng dư đối với các nước nhập siêu. Giá dầu giảm góp phần vào việc giảm lạm phát, nhưng động lực chính là sự sụt giảm nhu cầu từ các đợt phong tỏa hay giãn cách xã hội. Tương tự, bất kỳ sự xoa dịu về kinh tế nào nhờ vào giảm trợ cấp giá dầu là không đáng kể so với hỗ trợ tài chính cần thiết để tạo điều kiện phục hồi kinh tế.