Covid-19 không phải là đại dịch duy nhất trong năm 2020. Các nhà khoa học đang nghiên cứu lý do tại sao châu chấu quy tụ thành bầy và phá hoại mùa màng ở nhiều nơi trên thế giới.
Về bản chất, châu chấu là loài khá vô hại. Tuy nhiên, sau khi trải qua quá trình biến đổi hình thái, thay đổi màu sắc và hợp lại thành bầy với nhau, những “đám mây” gồm hàng triệu con châu chấu có thể bao phủ và tàn phá những cánh đồng rộng lớn, theo Channel NewsAsia.
Nhưng điều gì đã thúc đẩy quá trình chuyển từ sống đơn lẻ sang bầy đàn ở loài này?
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Nature hôm 12/8 cho biết bí mật nằm ở một loại pheromone, hay còn gọi là “hormone xã hội” ở côn trùng, Channel NewsAsia cho biết.
Nghiên cứu tập trung trên các loại hợp chất mà những cá thể châu chấu di cư tạo ra, vì loài này có đặc tính phân bố rộng rãi.
Nghiên cứu phát hiện loại pheromone đặc trưng ở châu chấu là 4-vinylanisole, gọi tắt là 4VA – đóng vai trò thu hút và liên kết các cá thể châu chấu thành bầy.
Hợp chất pheromone nói trên tương tự như một thứ nước hoa khó cưỡng đối với châu chấu, chỉ được tiết ra ở loài này khi chúng ở gần một vài cá thể khác.
Mùi hương thu hút một số con châu chấu đến và quy tụ thành bầy, sau đó những cá thể đã tham gia vào đàn tiếp tục tiết ra hợp chất nói trên, tạo ra một chuỗi phản ứng và kết quả là những “đám mây” châu chấu khổng lồ.
Phát hiện mới này mở ra một số tiềm năng to lớn cho ngành khoa học. Có thể ứng dụng nghiên cứu này để tạo ra loài châu chấu biến đổi gen không mang các thụ thể phát hiện loại pheromone nói trên, hoặc phát triển vũ khí sinh học dựa trên hợp chất pheromone để thu hút và bẫy côn trùng.
Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh số lượng châu chấu nhiều kỷ lục đang nuốt chửng những cánh đồng ở đông Phi và đe dọa nguồn lương thực ở Pakistan.