Hơn 500 con đập được lên kế hoạch hoặc đang ở giai đoạn xây dựng trong các khu bảo tồn, theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Conservation Letters.
Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo vì các con đập tác động tiêu cực đến sinh kế của cộng đồng địa phương như đánh cá và canh tác ở vùng ngập lũ, dòng di chuyển của thủy sản và trầm tích xuống đồng bằng hạ nguồn, cũng như những chức năng thiết yếu của dòng sông.
“Sông là huyết mạch của các hệ sinh thái. Bất kỳ chính sách nào hướng tới bảo tồn thiên nhiên đều phải ưu tiên dòng chảy tự do của con sông”, theo Michele Thieme, nhà khoa học về cá nước ngọt thuộc WWF và là tác giả chính của nghiên cứu. “Các khu bảo tồn là chiến lược nền tảng để bảo tồn đa dạng sinh học và những dịch vụ phục vụ con người nhưng cần cải thiện khâu thiết kế và quản lý để bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt”.
Đa dạng sinh học nước ngọt đang suy giảm nhanh. Các quần thể động vật có xương sống (động vật có vú, chim sống ở vùng đất ngập nước, bò sát, lưỡng cư và cá giảm 83% trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2014. Một trong những tác nhân chính là các con đập và công trình cơ sở hạ tầng liên quan đến nước tác động tới sinh cảnh tự nhiên của những loài như cá heo sông, rái cá, cá di cư và cả chục nghìn loài khác.
Nghiên cứu cũng phát hiện có tới 1.200 đập lớn tồn tại trong các khu bảo tồn, trong đó gần 3/4 (907 đập) được xây dựng trước khi thành lập khu bảo tồn với nhiều lý do khác nhau. Cũng có một số chính phủ thì xác định lại ranh giới các khu bảo tồn và những hành động được phép thực hiện trong khu vực này để hợp pháp hóa việc xây dựng một con đập. Tuy nhiên, khi các quy định luật pháp bị nới lỏng theo hướng này, khu bảo tồn sẽ mất khả năng bảo tồn các hệ sinh thái.
“Số lượng đập được lên kế hoạch xây dựng trong các khu bảo tồn là rất đáng báo động. Chính quyền cùng với chính sách quốc gia phải ngăn chặn sự phát triển các con đập trong khu vực này. Đập đã tồn tại trong khu bảo tồn thì nên được ưu tiên dỡ bỏ và các hệ thống sông xung quanh cần được hồi phục”, Thieme phân tích.
Nghiên cứu mới được công bố vào thời điểm tác động tiêu cực của đập và hồ chứa trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Một nghiên cứu công bố năm 2019 trên tạp chí Nature cũng phát hiện rằng 2/3 các con sông dài trên thế giới bị đập hoặc các công trình cơ sở hạ tầng ngăn dòng. Trên khắp thế giới, đập phân mảnh các dòng sông, tác động tới lợi ích đa dạng một dòng sông mang lại cho con người và thiên nhiên.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh các tác động gây hại đối với các khu bảo tồn, bao gồm cả những khu vực tăng cường phát triển các công trình cơ sở hạ tầng như đập. Đáng chú ý là trở ngại xảy ra ngay trong thời kỳ đại dịch toàn cầu – thời điểm mà công chúng không thể tham gia đầy đủ vào quá trình ra quyết định. Do đó, các chính phủ cần phải ngăn chặn những trở ngại này và có thể sử dụng các kế hoạch hồi phục kinh tế như một cơ hội để tăng cường và cải thiện các biện pháp bảo vệ thiên nhiên nhằm giúp giảm nguy cơ đại dịch trong tương lai.
Giá thành năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang giảm, vì vậy, các chính phủ nên hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo thay thế để đáp ứng nhu cầu năng lượng chứ không nên tập trung xây đập. Báo cáo công bố năm 2019 mang tên “Kết nối và Dòng chảy” mô tả chi tiết cách thế giới có thể đạt được các mục tiêu khí hậu và bảo vệ các dòng sông bằng cách chuyển đổi một phần những dự án thủy điện tương lai sang tăng cường đầu tư điện gió và điện mặt trời, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng các dự án thủy điện mới.
Nhật Anh (Theo WWF)