Góp ý xây dựng cơ chế giám sát – đánh giá VPA-FLEGT

Ngày 14/8/2020, tại Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), đại diện của RECOFTC Việt Nam và WWF Việt Nam (tham gia trực tuyến) và PanNature đã có cuộc họp với nhóm tư vấn thiết kế cơ chế giám sát – đánh giá VPA/FLEGT nhằm đóng góp các ý kiến cho việc phát triển khung dự thảo này.

Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp (FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Để thực hiện Hiệp định này, Việt Nam cần đảm bảo có một cơ chế giám sát thực hiện, bao gồm sự tham gia của đại diện các cơ quan chính phủ và các bên liên quan phù hợp khác.

Tại cuộc họp, đại diện nhóm tư vấn thiết kế Khung VPA/FLEGT M&E gồm ông Nguyễn Hữu Dũng, chuyên trách về giám sát rừng và ông Nguyễn Việt Dũng, chuyên trách về sự tham gia của các bên liên quan đã trình bày các dự thảo tài liệu về đề xuất Cơ chế Giám sát – đánh giá và Đề cương Giám sát tác động của VPA.

Đại diện các tổ chức cơ bản đã đồng thuận với các cơ sở và định hướng xây dựng cơ chế giám sát – đánh giá và phạm vi giám sát tác động của VPA. Các góp ý nhấn mạnh việc cơ chế cần đảm bảo, khuyến khích và mở rộng sự tham gia hiệu quả của các tổ chức ngoài nhà nước và cộng đồng trên cơ sở cải thiện chất lượng thực hiện giám sát – đánh giá. Các tổ chức cũng cho rằng các nội dung và chỉ số giám sát tác động về quản trị rừng, đảm bảo an toàn xã hội cần làm rõ vai trò của VPA đối với quyền về tiếp cận sử dụng đất, rừng; cần có cơ chế phản hồi hiệu quả đối với các báo cáo giám sát…

Cuộc họp nằm trong quá trình tham vấn mà kết quả sẽ được sử dụng để chuẩn bị bản đề xuất sửa đổi Cơ chế và Điều khoản tham chiếu nhiệm vụ tổng quát về giám sát tác động VPA.

Hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tiếng nói vì Rừng Mê Kông do Liên minh Châu Âu tài trợ.

Nguồn: